Sunday, March 13, 2011

Cái đức của nhà cầm quyền


Cái đức của nhà cầm quyền thì sách vở đông tây kim cổ hẳn nhiên đã nói tới nhiều rồi, có nhắc lại cũng tốt, song nhiều khi cũng bằng thừa, bởi mỗi thời đại có thể có các yêu cầu và cách nhìn hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy bài viết này chỉ tập trung nói về thời hiện đại. Song tất nhiên trước khi nói đến cái đức của nhà cầm quyền, phải nói đến cái đức của con người, vì bất cứ nhà cầm quyền nào chẳng qua đó cũng chỉ là những lực lượng con người, tức mọi cá nhân những con người liên quan trong đó tạo ra, mà cụ thể là những người đứng đầu, tức chính phủ và chính quyền của một nước.

Thế cái đức của mỗi cá nhân con người trước hết là gì ? Đó là điều tốt hay giá trị tốt của bản thân cá nhân đó. Bởi đức có nghĩa là đạo đức, tức ý nghĩa tốt, ý nghĩa đúng đắn và hữu lý, vừa ích lợi cho chính bản thân cá nhân mà cũng ích lợi cho mọi người khác nói chung. Điều tốt hay cái đức đó chính là điều đức hạnh, mà dĩ nhiên trong đó phải có ý nghĩa nhận thức, ý nghĩa trung thực, và ý nghĩa thiện chí. Bởi nếu không nhận thức thì mù quáng, không mang khả năng tự chủ, cũng rất khó mà trung thực được với mình, với người khác, và như thế cũng thiết yếu rất khó để có thiện chí với mọi người hay với toàn xã hội. Vậy rõ ràng như thế thì đức trung thực, đức thẳng thắn phải là những đức tính hàng đầu của ý nghĩa cái đức nơi cá nhân cũng như nơi nhà cầm quyền ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi thời đại.

Chính sự trung thực tạo nên niềm tin nơi người khác, đó là yếu tố an tâm, yếu tố đoàn kết. Còn sự thẳng thắn là nền tảng của sự phát triển và sự tiến bộ. Vì thẳng thắn mới có đấu tranh, loại bỏ, chỉnh đốn cái sai, cái xấu để tìm đến cái đúng, cái phát triển, cái tiến tới. Mặt khác, tính trung thực cũng là yếu tố của sự thẳng thắn, vì không trung thực thì cũng không thể có thẳng thắn, mà không thẳng thắn thì nhu nhược, giả dối, lừa mị, không có đấu tranh tích cực vì các mục tiêu, ý nghĩa hay giá trị tích cực, có nghĩa cũng sẽ không có điều gì đáng giá hết, hay không còn gì để nói nữa hết. Điều này không những chỉ mang tính chất đức hạnh cá nhân, mà còn mang cả ý nghĩa chính trị và xã hội, có khi cả ý nghĩa lịch sử nói chung trong mọi thời đại mà mọi người đều có thể dễ dàng đánh giá, kết luận hoặc suy ra được. Bởi lẽ mọi người đều biết không ai có thể lấy tay che được mặt trời, và mọi sự thật hay ý nghĩa khách quan vẫn chỉ có thể che giấu được trong các không gian, thời gian nhất định nào đó, nhưng không bao giờ che giấu được mãi với lịch sử và với thời gian.

Điều đó cũng nói lên cái đức của nhà cầm quyền nó là như thế. Bởi vì mọi nhà cầm quyền đều phải từ những cá nhân trong xã hội mà ra. Ở đây không nói tại sao những cá nhân nào đó được lên cầm quyền, bởi vì nguồn gốc của điều ấy có cả ngàn lý do và thiên hình vạn trạng, nhưng cái chính là cái đức của nhà cầm quyền như thế nào mới chính là điều đang được nói tới. Bởi mọi nhà cầm quyền thực chất đều mang ba ý nghĩa, ý nghĩa hiện tại, ý nghĩa tương lai, và ý nghĩa lịch sử. Ý nghĩa hiện tại là yêu cầu giải quyết mọi thực trạng hiện tại của xã hội làm sao cho hiệu quả, tốt đẹp hoặc tối ưu nhất. Ý nghĩa tương lai là từ nền tảng giải quyết hiện tại đó cũng đồng thời đặt để hay tạo lập nền tảng, triển vọng của mọi sự phát triển xã hội trong tương lai. Ý nghĩa lịch sử là dù cá nhân, đảng phái, tập thể, hay nhà cầm quyền trong mọi giai đoạn lịch sử đều không thể trốn chạy đi đâu được khỏi sự đánh giá, khen chê về mọi mặt của lịch sử nói chung về sau này, nếu không nói là một cách hoàn toàn vĩnh cửu.

Thế thì nếu không nói những cá nhân hoặc những tập hợp con người nào đó, vì những hoàn cảnh lịch sử xã hội nào đó mà lên cầm quyền được, cho dù trong những thời gian ra sao, chỉ là chuyện khác. Còn những nhà cầm quyền thật sự có ý thức, có ý chí, có mục đích, có thiện chí, tất nhiên không thể không quan tâm tới cái đức của nhà cầm quyền như trên kia đã nói. Bởi vì ai cũng biết, sự cầm quyền là một thực tế xã hội phức tạp mà không hề đơn giản. Vì bất kỳ một cá nhân nào đó có quyền, không hề chỉ độc nhất riêng cá nhân đó, mà đàng sau anh ta, chung quanh anh ta, có biết bao nhiêu là lực lượng, là sức mạnh mà thực chất anh ta không hoàn toàn độc lập hoặc tách rời ra được. Đó là lực lượng, đảng phái hay nhóm người nào đó đã đưa anh ta lên cầm quyền. Đó là cả một cơ chế nhà nước, chế độ, chính phủ đứng đằng sau lưng anh ta. Ngay trong chính phủ, mỗi khi quyết định điều gì quan trọng đều cũng phải họp bàn, hỏi ý kiến chung ngang cấp, cấp trên, kể cả đôi khi cấp dưới, cũng có khi phải hỏi ý kiến cả toàn dân, đâu phải chỉ hoàn toàn tùy tiện hoặc đơn giản.

Tuy vậy, qua đó vẫn có thể nói được có hai diện đối lập hoặc khác nhau chính yếu. Đó là nhà cầm quyền, xã hội hay toàn dân. Đây là một thực tế khách quan, hoàn toàn hiển nhiên, nên cũng không thể xem thường. Nhà cầm quyền xem thường dân, trước sau cũng phải đương đầu với dân, sự bạo loạn, sự lật đổ, sự đổ máu thế nào rồi cũng sẽ xảy ra, kiểu như tức nước vỡ bờ, bất kỳ trong thời đại nào, hay nước nào cũng thế. Người dân xem thường nhà cầm quyền, tất nhiên có thể đưa đến bạo lực, trấn áp, bất kể những điều đó có cần thiết hoặc chính đáng hay không. Bởi mọi người dân trong tay đều không có một tất sắt. Trong khi đó quyền lực của nhà cầm quyền bao giờ cũng là súng ống, đạn dược, vũ lực. Điều này chẳng khác gì người ngồi trong xe với người đi chân đất dưới lề đường. Cho dù người lái xe đó có như thế nào, song nếu đó là chiếc xe bọc thép, dĩ nhiên không ai tay không mà có thể cự lại được. Đó chỉ là mối tương quan giữa vật chất và thân xác con người. Đó chỉ là mối tương quan xấu, mối quan hệ bạo hành. Còn mối quan hệ tốt giữa người và người, dĩ nhiên bao giờ cũng phải là mối quan hệ về ý thức, về nhận thức, về đức hạnh, về đối thoại, trao đổi, để cùng tìm ra một hướng đúng, một nhu cầu chính đáng, như trên kia đã nói.

Bởi vì bất kỳ nhà cầm quyền nào hình thành nên trong lịch sử, hoặc đó là do nhu cầu khách quan của lịch sử, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hoặc do các tham vọng cá nhân chủ quan, được đưa đẩy bởi những yếu tố ngẫu nhiên hoặc các phương cách khôn ngoan nào đó. Tất nhiên, không một cá nhân hay nhóm cá nhân nào có thể khơi khơi mà tự thân lên cầm quyền được. Luôn luôn họ phải dựa vào số động. Chính số đông ban đầu là lực lượng thực tế đã đưa họ lên. Song kết quả sau đó là những người được đưa lên trở thành nhà cẩm quyền, và mọi người còn lại đều trở thành dân. Điều này đúng trong thời đại phong kiến cũng như đúng với mọi cuộc cách mạng nói chung, từ các cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Mỹ, ở Pháp trước kia, hoặc cuộc cách mạng vô sản ở Liên xô và nhiều nước tiếp theo trong thời kỳ đó cũng thế. Đây chỉ là quy luật khách quan xã hội, ai có nói khác đi hay muốn khác đi cũng không được. Có lý thuyết cho rằng vấn đề cầm quyền chỉ là vấn đề giai cấp. Nói như vậy chẳng khác gì cưỡng lý đoạt từ, là kiểu nói bướng hay kiểu mê tín dị đoan, bởi vì đấu tranh giai cấp trong xã hội thực chất luôn luôn là đấu tranh kinh tế, còn đấu tranh chính trị lại vẫn luôn là đấu tranh quyền hành. Quyền hành bao trùm cả toàn xã hội, trong khi đó kinh tế chỉ mang tính cách cá nhân hay các giai tầng xã hội nào đó nhất định.

Hãy lấy hình ảnh một cái xe, một con tàu, mọi bộ phận trong đó có thể có mọi chiều ngược nhau hay khác nhau, nhưng bộ phận tay lái hay vô lăng chỉ có một. Đó là bộ phận phải nhìn thấy và nhìn đến đàng trước, không thể nhìn ra phía sau hay nhìn nghiêng sang bên, cho dầu cách thiết kế tay lái hay vô lăng có thể trên mặt cong, mặt phẳng đứng, hoặc mặt phẳng nằm ngang như thế nào đó là tùy nhà sản xuất. Tuy nhiên, một thực tế khác là quyền hành dễ dàng cùng đi theo với quyền lợi và ý chí làm chủ. Đó là tính cách của cha truyền con nối ngôi vua thời quân chủ, hay bất kỳ hình thức độc tài nào. Ngược lại, ý nghĩa thời của dân chủ hiện đại phải là dân bầu đúng nghĩa, tức là nguyên tắc phổ thông đầu phiếu hoàn toàn thực chất và tự do để toàn dân lựa chọn nhà cầm quyền một cách hoàn toàn khách quan và sòng phẳng, là một lẽ công bằng, thích đáng, và hoàn toàn hợp lý nhất. Bởi tính cách chính trị luôn luôn đi theo với quyền lợi, cho nên bất kỳ một lực lượng nào lên cầm quyền, thường cũng kéo theo bè phái, những kẻ điếu đóm, những kẻ ăn theo, những kẻ xu nịnh, những kẻ cơ hội, lợi dụng, đó là điều hoàn toàn không tránh khỏi, mà bất kỳ lịch sử ở đâu, thời nào cũng cho thấy điều đó.

Chính vì thế mà chỉ có cái đức của nhà cầm quyền mới có thể chế ngự được phần nào mọi tính chất tiêu cực đó. Ngoài ra chính thể chế dân chủ, tự do khách quan, cũng là biện pháp kỹ thuật hữu hiệu nhất về mọi tiêu cực xã hội ăn theo chính trị như trên đã nói. Bởi bản năng, tham vọng của mọi cá nhân luôn luôn vô hạn, nếu không có ý chí và điều kiện dân chủ cho toàn dân thì không thể nào tránh khỏi được. Dân chủ, tự do của xã hội như vậy không phải chỉ là một nghĩa vụ, một bổn phận, một trách nhiệm, mà còn là cái đức của nhà cẩm quyền, tức nhà cầm quyền lành mạnh, hợp lòng dân, nhà cầm quyền tiến bộ, hữu ích. Còn nếu ngược lại thì là chuyện khác. Do đó, cầm quyền không thể nào theo cách mút mùa lệ thủy, mà phải có bầu bán chân thực, phải có nhiệm kỳ cụ thể, rõ ràng, nhất định. Tổng thống Putin của Nga, qua hai nhiệm kỳ thì phải lui bước cho người kế nhiệm của mình mà xuống làm Thủ tướng. Đó là một mẫu mực tiến bộ rất đáng khen, đáng ca ngợi và hoàn toàn hợp lý. Bởi không bất kỳ ai có thể tự cho mình giỏi, mình cần thiết để nắm quyền suốt đời. Đó chỉ có thể là sự lạm quyền, sự mị dân, sự giả dối, bởi vì nguyên tắc hậu sinh khả ủy và nguyên lý có mợ chợ cũng đông, không có mợ chợ cũng chẳng bỏ không bữa nào, đều là những chân lý khách quan mà dân gian muôn đời đã hoàn toàn thấm đượm.

Vậy thì rõ ràng cái đức của nhà cầm quyền là cái vô cùng quan trọng, hay thực tế hết sức quan trọng. Cái đức đó ngay từ đầu bài chúng ta đã nói nó gồm có những yếu tố thiết yếu như thế nào rồi. Cho nên nếu hiểu chính trị chỉ là các thủ đoạn được thực hiện để lên cầm quyền và nắm quyền lâu dài là điều hoàn toàn không đúng. Đó là kiểu chính trị bá đạo trong thời tao loạn. Trong khi đó kiểu chính trị của các bậc minh quân, anh hùng, thật sự luôn luôn đều là kiểu chính trị vương đạo, tức là việc đưa lên hoàn toàn do dân, việc nắm quyền hoàn toàn vì dân, và việc nhường quyền cũng hoàn toàn vì dân. Điều đó không nói đâu xa, cả nước ta trong thời quân chủ cũng không phải hoàn toàn không có. Nhưng đó là nói ngày xưa, khi trình độ phát triển xã hội còn thấp, trình trạng dân trí chưa cao và chưa phổ biến. Ngược lại, thời đại ngày nay là thời công nghiệp, thời dân chủ tự do, thời điện toán, ý nghĩa của sự cầm quyền là ý nghĩa khách quan, khoa học, mà không thể là ý nghĩa chủ quan hay giả tạo. Có nghĩa người cầm quyền, hệ thống cầm quyền, chính phủ cầm quyền, kể cả đảng phái cầm quyền phải cần là những tinh hoa thật sự của xã hội, của đất nước, mà không phải chỉ kiểu đào tạo hàng loạt, lâu năm lên lão làng, hoặc cầm quyền theo kiểu chủ quan, tự nghĩ mình tài giỏi, cần thiết, không thể ai thay thế được. Điều đó có nghĩa cầm quyền không giống với việc lái xe, kiểu ai ngồi vào vô lăng đều có thể lái được, còn xe chạy ra sao mặc kệ. Ngược lại, cầm quyền phải thể hiện tính chất tinh hoa của xã hội (1).

Bởi người cầm quyền không giống như một chủ tọa cuộc họp, chỉ ngồi đó và tiếp thu ý kiến của bá tính đăng làm của mình, và rút ra kết luận thực hiện, cũng coi như đã xong. Trái lại, người chủ tọa cuộc họp biết hướng dẫn cuộc họp lại là chuyện khác, và người cầm quyền có được khả năng lãnh đạo "tàng hung trung", tức năng lực thấy trước, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết tối ưu nhất về mọi vấn đề, hay mọi ý nghĩa trọng đại, nhưng vốn đã được tàng chứa trong lòng rồi, lại là chuyện khác. Đó là điều mà đất nước ta trong thời quá khứ, hay ngay cả cụ thể ở miền Nam trước đây, đã hoàn toàn cho thấy rõ. Kiểu lên voi xuống chó, chính phủ này thay chính phủ trước, rồi khi lên rồi, khi đã nắm quyền trong tay, lại càng tệ hại hơn, sa sút hơn giai đoạn tiền nhiêm. Đó cũng là ý nghĩa để ngày nay rất nên hiểu chính trị cần phải đi theo với sự công chính, mà không nên đi theo với sự tuyên truyền. Bởi sự công chính thì không thể lừa dân hay mị dân, nên khi chính quyền đã được xây lên, cũng phải là chính quyền do dân, của dân, vì dân trong thực chất, không phải là kiểu cầm quyền mang tính hình thức, hay cầm quyền mà thiếu đức, như toàn bộ các ý nghĩa phần trên đã phân tích. Nên nói tóm lại, mọi sự tuyền truyền chính trị chính nghĩa nếu phải có, cũng luôn luôn sẽ đi đến những kết quả chính trị chính nghĩa. Trái lại, mọi sự tuyên truyền chính trị phi chính nghĩa được sử dụng, tức giả dối, thì luôn luôn cũng chỉ đi đến những kết quả chính trị phi chính nghĩa, giả dối. Đây vẫn luôn là một bài học chung của nhân loại, trong đó không loại trừ bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, hay thời đại nào, nên tất cả mọi người ngày nay, dù ở đâu và trong điều kiện, hay trường hợp ra sao, đều có thể cùng nhau nên suy xét.

(1) Xem thêm cùng tác giả : Thế nào là những thành phần ưu tú của một dân tộc (07/3/2011).

© Võ Hưng Thanh


No comments:

Post a Comment