Sunday, March 13, 2011

Trung tá công an đánh gãy cổ dân đến chết: Vẫn bao che, lấp liếm và nuông chiều tội ác?


Càng ngày, những chuyện công an đánh dân xảy ra càng nhiều, càng trầm trọng và nghiêm trọng. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lực lượng “công an nhân dân” nhưng quay lại tấn công người dân ngày càng hung bạo, có một nguyên nhân ai cũng thấy, đó là sự bao che đến mức lộ liễu của hệ thống báo chí, ngành công an cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật ở VN.
Tính mạng người dân bị coi rẻ như cỏ rác, những hành động ăn chặn, hối lộ, hạch sách, cửa quyền, vi phạm pháp luật của cán bộ chiến sĩ ngành công an được bao che một cách có hệ thống trong “nhà nước pháp quyền”(!) là những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn đến cách hành động ngông cuồng, bạo lực của nhiều công an viên.
Xuất hiện băng rôn đòi xử lý nghiêm trung tá công an đánh dân tại thủ đô Hà Nội
Nhìn lại những vụ án gần đây như vụ mua dâm học sinh ở Hà Giang, vụ án thiếu úy cảnh sát đánh chết người tại Bắc Giang… đã được xử xét thế nào, ai cũng hiểu tại sao vụ án gây sự chú ý và việc bất chấp những nguyên tắc pháp luật, bỏ sót tội phạm và cách xét xử của hệ thống tòa án Việt Nam hiện nay đang nhằm mục đích gì. Phải chăng chỉ vì ở Hà Giang, không chỉ có Chủ tịch Tỉnh mà còn cả Giám đốc Công an tỉnh có tên trong danh sách đen mua dâm vị thành niên… Phải chăng chỉ vì ở Bắc Giang, người gây cái chết đối với thanh niên Nguyễn Văn Khương là một thiếu úy công an?
Việc bloger Hương Trà bị bắt giam giữ nhanh chóng gây sửng sốt dư luận, chỉ vì động chạm trực tiếp vào gia đình viên tướng công an có địa chỉ và tên tuổi cụ thể?
Người ta có quyền đặt câu hỏi rằng: Nếu như, những tội ác này được thực hiện bởi một công dân bình thường, báo chí và hệ thống luật pháp sẽ xử lý thế nào, có giống cách xử lý đã có hay không?
Không thể nói gì hơn là sự bao che, khỏa lấp các tội trạng của các nhân viên ngành công an đã trực tiếp tạo nên một tình trạng xã hội “công an trị” hết sức bất công và bất chấp luật pháp ở Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với tôn chỉ của ngành công an được tuyên xưng rất cụ thể là “chỉ biết còn đảng, còn mình” dù mang danh “công an nhân dân”.
Vấn đề các nhân viên công an luôn lộng hành, chỉ vì mình là “công an của đảng” mà đảng thì đang là lực lượng cai trị độc tài tại VN, không ai có thể đụng chạm đến lực lượng được cưng chiều này vì khi cần, cả hệ thống được chỉ đạo tạo dựng, bóp méo, xuyên tạc cũng như thông tin sai lệch bản chất vụ việc hết sức trắng trợn và nhẫn tâm, miễn sao bảo vệ được lực lượng này luôn trung thành với đảng.
Bởi vì, tất cả hệ thống công an, báo chí, tòa án, viện kiểm sát… đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Ông Trịnh Xuân Tùng đã chết bởi Trung tá công an đánh gãy cổ
Vụ Trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng gây nhiều phản ứng bức xúc trong lòng người dân Hà Nội và cộng đồng dân chúng cả nước.
Điều mà mọi người bức xúc nhất ở vụ án này, là sự nhẫn tâm, tàn bạo của viên Trung tá công an khi đánh đập nạn nhân đến gãy đốt sống cổ rồi hô hào cái lực lượng gọi là dân phòng cùng tấn công và dùng còng số 8 khóa ông vào gốc cây sau đó bắt lên xe chở về phường. Nhẫn tâm hơn là kể từ khi bị đánh dập đốt sống cổ từ 3 giờ chiều và nạn nhân đương nhiên đã có dấu hiệu nguy hiểm, gia đình đến xin đưa đi khám, nhưng mãi cho đến 9 giờ 30 đêm, đến khi nạn nhân trở nặng thì mới cho đi bệnh viện khám và cái chết oan khuất đã đến với một con người hiền lành, vô tội.
Nếu là con người bình thường, khi thấy một người đã bị thương tích, dù chưa biết nặng nhẹ, vẫn phải có trách nhiệm cứu chữa cho người đó kịp thời. Nhưng ở đây, một trung tá công an đã gây thương tích cho nạn nhân trầm trọng, gia đình năn nỉ, yêu cầu ba lần mà vẫn khóa nạn nhân lại đến tận 9 giờ 30 mới cho đi bệnh viện dẫn đến cái chết oan uổng của nạn nhân thì cái gọi là “đạo đức cách mạng” “đạo đức Hồ Chí Minh” được dạy dỗ qua bao năm để ở đâu? Nó là cái gì vậy?.
Dân Hà Nội trước nhà nạn nhân
Trong vụ việc này không chỉ có viên Trung tá công an Nguyễn Văn Ninh nhẫn tâm, mà cả hệ thống công an nhân dân, Ủy ban nhân dân Phường Thịnh Liệt gồm mấy chục mạng đang ăn cơm của dân, uống nước của dân ở đây chứng kiến sự việc này nhưng vẫn không có động tác nào để ngăn chặn tội ác đã diễn ra trước mắt một thời gian dài và công khai như thế.
Những tội ác đó có diễn ra nữa hay không? Tôi nghĩ rằng sẽ còn diễn ra nhiều và ngày càng nhiều hơn. Căn cứ vào thái độ, cách nghĩ, cách hành động của cơ quan pháp luật đối với những tội ác này thì chúng ta sẽ thấy rõ điều khẳng định này không phải là không có cơ sở. Điển hình là cách bao che của chính tờ báo Công an nhân dân khi đưa tin vụ việc khá rõ ràng.
Dù những bài tường thuật về cái chết của anh Tùng được chính con nạn nhân là những người trong cuộc nói rõ ràng diễn tiến sự việc, thời gian và cách hành xử của công an đối với nạn nhân như thế nào khá chi tiết. Nhưng tờ Công an Nhân dân đã thông tin đến bạn đọc những gì? Trong bài viếtKhởi tố bị can nguyên Trung tá Nguyễn Văn Ninh, liên quan đến cái chết của anh Trịnh Xuân Tùng thì cách đưa tin đã cố tình làm cho người đọc hiểu rõ rằng Nguyễn Văn Ninh chẳng có tội trạng gì, cái chết của ông Tùng chỉ là chuyện nhỏ.
Bài viết trên báo Công an nhân dân viết như sau: “Do xin không được nên nhóm anh Hùng đã có lời nói thóa mạ Tổ công tác; hai bên giằng co nhau dẫn đến anh Tùng bị thương tích”.
Bài báo thông tin đến bạn đọc điều gì? Nếu đọc những dòng này, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là “hai bên giằng co nhau” vì“do không xin được nên nhóm anh Hùng đã có lời nói thóa mạ tổ công tác” (sic). Bất cứ người dân Hà Nội nào cũng hiểu rằng khi đã vi phạm luật, công an đã cầm giấy tờ xe, thì chẳng ai dám thóa mạ công an, đó là lẽ thường tình. Chỉ có trường hợp công an không bắt đúng lỗi, không có chứng cứ vi phạm, người bị bắt mới có thể tranh cãi mà thôi.
Bến xe Giáp Bát khi chiếc xe lạ xuất hiện
Về việc này, con gái ông Tùng, chị Kim Tiến đã trả lời đài RFA như sau: “Chỉ vì là hôm đó bố em đi xem ôm ra bến xe Giáp Bát để đi vào Nam. Bố em bảo ông xe ôm dừng xe lại để bố em lấy điện thoại gọi cho một người bạn. Bố em vừa gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại cho bạn thì ông trung tá công an tên Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, đã ra bắt giữ xe và hẹn chiều quay lại”.
Ở đây, ông Tùng chỉ là người đi xe ôm, việc công an giữ giấy tờ xe không liên quan gì đến ông mà chỉ liên quan người lái xe ôm mà thôi. Nhưng ông Tùng đã cùng người xe ôm quay lại để làm việc với tổ công tác vì việc này, chứng tỏ ông Tùng là người rất tử tế, đàng hoàng khi thấy sự việc bất bình đã không bỏ qua dù không liên quan đến quyền lợi của mình.
Chi tiết vụ việc sau đó được thuật lại như sau: “Buổi chiều, bố em và ông xe ôm quay lại để nộp phạt thì ông xe ôm cãi là ông ấy đúng chứ không sai, ông không có trách nhiệm nộp phạt như vậy, nhưng bên công an không chịu. Thế là hai bên xảy ra cãi vã. Ông công an lao vào bóp cổ ông xe ôm. Khi ông ấy bóp cổ ông xe ôm như vậy thì bố em có gỡ tay ông ấy ra và bảo: “Ông là công an mà ông lại bắt dân, đánh người như thế à?”, rồi bố em cũng chấp nhận sai và xin nộp phạt 100.000 đồng, nhưng ông ấy không chịu và đòi 150.000 đồng.
Sau đó hai bên giằng co và chẳng may tay bố em vung phải mặt ông ấy, thế là ông ấy dùng dùi cui và đồ vật cứng đập bố em. Ông đánh vào đầu, vào gáy và bố em ngã xuống. Khi bố em ngã xuống, ông ấy tiếp tục hô hào thêm 5, 6 dân phòng nữa lao vào đấm đá bố em túi bụi. Sau khi đấm đá xong thì xích bố em vào một gốc cây rồi sau đó gọi xe đưa về phường”.
Bị vào khoảng 3 giờ, tầm 4:30 – 5 giờ gia đình em biết chuyện xuống đấy để xin cho bố em được đi khám và hỏi tình hình, nguyên nhân sự việc. Khi gia đình em đến, em có vào và xin cho bố em đi khám, nhưng công an phường Thịnh Liệt nhất định không cho bố em đi khám. Mãi đến tận 9:30, khi tình hình của bố em trở quá nặng, người ta mới cho bố em đi khám. Em xuống dưới đó 3 lần, nhưng (công an phường) đều không cho đi khám. Em xin vào để đút phở cho bố em ăn, cũng không cho em vào đút phở cho bố em ăn. Đến bây giờ bố em chết, bố em trở thành con ma đói…
Bố em lúc đấy vẫn bị còng. Hai chân hai tay buông xuống, ngồi ở ghế, trong tình trạng rất đau đớn. Bố em kêu lên là “Con ơi, cho bố đi khám. Bố đau lắm rồi, bố muốn đi khám con ơi. Bố liệt hết hai chân hai tay rồi”. Mà em đã van xin các anh là cho bố em được đi khám vì tình hình bố em rất nguy cấp rồi, nhưng các anh đều không cho đi.
Ông Trịnh Xuân Tùng phải mang còng đến bệnh viện chỉ vì "hai bên giằng co, xô xát"
Cô em và em có nói là: “Bây giờ anh tôi, bố tôi đang trong tình trạng hết sức nguy kịch như thế này, nếu như các anh không cho bố tôi đi cấp cứu, bố tôi có vấn đề gì các anh thì các anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng các anh ấy vẫn không cho đi”.
Bị bắt đánh từ trưa, đến 5 giờ, 9 giờ người nhà xin không cho đi. Mãi đến 9:30 – 10 giờ, khi bệnh tình quá nặng mới cho đi. Và thêm một vấn đề nữa là khi người ta không có sức phản kháng, liệt hết rồi mà khi đưa vào viện vẫn còng số 8”.
Diễn tiến sự việc là thế, nhưng tờ Công an nhân dân đưa tin như sau: “Thấy anh Tùng bị thương, Công an phường Thịnh Liệt và gia đình đã đưa anh Tùng đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, rồi chuyển tới Bệnh viện Việt – Đức. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh Tùng bị gẫy đốt sống cổ nên đã mổ cấp cứu và tiếp tục điều trị. Cho đến sáng 8/3, anh Tùng tử vong”.
Quả thật là cách đưa tin tuyệt vời, chỉ vì “hai bên giằng co nhau” mà anh Tùng bị thương. Khi một người đã bị đánh gãy cổ đển chết, thì không thể là sự “giằng co nhau” mà là hành động tấn công hung đồ, dã man.
Bài báo còn viết: “khi thấy anh Tùng bị thương” thì “công an Phường Thịnh Liệt đã cùng gia đình đưa anh Tùng đi cấp cứu”… Như vậy thì công an đã tử tế quá còn gì? Bài báo đã không nói rằng việc đưa đi cấp cứu ông Tùng đã diễn ra sau khi xích nạn nhân vào gốc cây và đưa về phường còng đến tận 9 giờ 30 tối mặc cho nạn nhân đau đớn, tứ chi bị liệt, gia đình đã ba lần van xin… nhưng cán bộ của dân đã không mảy may động lòng. Thậm chí khi đưa đến bệnh viện, ông Tùng vẫn còn mang nguyên còng số 8 trên tay như báo với các bác sỹ rằng đây là một tội phạm nguy hiểm. 
Con gái ông Tùng đau đớn khóc khi cha phải nhập viện.
Có thể nói, đây là những hành động quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng của tên trung tá Nguyễn Văn Ninh và những người gọi là “tự quản viên” khi đã không cứu chữa nạn nhân bị tấn công, mặt khác còn ngăn cản gia đình nạn nhân xin đưa đi cấp cứu.
Với những người bị tấn công gãy đốt sống cổ, thời gian 6 tiếng đồng hồ bị xích tại gốc cây và còng tại Phường, là thời gian dẫn nạn nhân đến cái chết từ từ, đau đớn và là một hành động man rợ.
Nhưng, tờ công an nhân dân đã bỏ qua tất cả, đọc bản tin của tờ báo này, người ta chỉ biết tên Nguyễn Văn Ninh không có tội gì mà chỉ là thi hành công vụ, còn nạn nhân chết là vì đã “thóa mạ tổ công tác” lại còn “xô xát giằng co” với công an nên mới xảy ra nông nỗi đó, vì vậy mà có chết cũng đáng đời?
Nhưng, sự đời không điều gì vượt qua được sự thật, nếu Nguyễn Văn Ninh chỉ vì thi hành công vụ, bị nạn nhân thóa mạ lại còn dám xô xát giằng co với công an và sau đó công an đã đưa nạn nhân đi bệnh viện… thì cớ gì phải bắt giam tên này, thậm chí còn “đề nghị đình chỉ sinh hoạt đảng”?
Qua cách thông tin trên tờ Công an nhân dân về vụ việc này, người dân hiểu rõ rằng, lại vẫn là con bài bao che cho sự lộng hành và tội ác của những nhân viên công an trong vụ việc này như bao vụ việc khác đã từng xảy ra trên đất nước này. Điều này chính là sự bảo kê cho tội ác tồn tại và phát triển.
Và điều đó, sẽ khuyến khích việc sử dụng bạo lực với nhân dân từ lực lượng công an.
Vì thế việc công an hành hung, tàn sát dân chúng sẽ không thể dừng lại.
Hà Nội, ngày 13/3/2011

1 comment:

  1. chuyen nay doi voi cong an la thuong thoi cong an giet dan dau co gi la o viet nam

    ReplyDelete