KHÔNG ĐỌC KỸ "HỘI THỀ"XIN ĐỪNG "CHIÊU TUYẾT"
Trần Mạnh Hảo
Lời dẫn : Không biết có phải Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN) đang thực thi chương trình : CHỬI CHA ÔNG CÓ THƯỞNG" và " CA NGỢI GIẶC CÓ THƯỞNG" hay không mà trao cho hai truyện " Dị hương" của Sương Nguyệt Minh chửi vua Gia Long là hôn quân bạo chúa và cuốn "Hội thề"của Nguyễn Quang Thân chửi nghĩa quân Lê Lợi là thổ phỉ, vô học, dã man, tiểu nhân, gặp dân ta là cướp, là hãm hiếp…(trong khi) lại khen các tướng giặc Minh là trí thức, nhân đạo, hiền nhân quân tử, lịch lãm, văn minh, hào hoa phong nhã. Chúng tôi đã viết nhiều bài phê bình hai truyện trên gửi in trên các báo mạng tư nhân trong nước ( và một số báo mạng hải ngoại). Nay có ông PGS.TS. Nguyễn Văn Dân là chủ tịch hội đồng dịch thuật văn học của HNVVN lên đài truyền hình Việt
Nên chúng tôi xin kính gửi bài báo nhỏ bị từ chối trên đất nước mình này đến quý báo điện tử, nhờ in dùm để đánh động dư luận trong và ngoài nước. Xin cám ơn.
Trần Mạnh Hảo
DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI VIẾT BỊ TỪ CHỐI TRONG NƯỚC CỦA CHÚNG TÔI :
Sáng nay 13-03-2011, trên http://phamvietdaonv.blogspot.com
xuất hiện bài báo lấy từ http://phongdiep.net , giới thiệu bài viết của ông PGS.TS. Nguyễn Văn Dân ( chủ tịch hội đồng dịch thuật văn học ) :" Mấy xu hướng chủ yếu trong lịch sử tiểu thuyết Việt
"ÔNG NGUYỄN VĂN DÂN RÓN RÉN " CHIÊU TUYẾT " CHO VIỆC TRAO GIẢI TIỂU THUYẾT " HỘI THỀ " Mấy xu hướng chủ yếu trong tiểu thuyết lịch sử Việt
Bài viết của ông Nguyễn Văn Dân bàn nhiều vấn đề về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại, trong đó có một đoạn "chiêu tuyết" cho việc trao giải thưởng tiểu thuyết "Hội thề" vừa in trên báo Văn nghệ ra ngày thứ bảy 12-03-2011;
Đoạn văn "rón rén" chiêu tuyết cho việc trao giải thưởng tiểu thuyết " Hội thề" của ông Nguyễn Văn Dân như sau :
"Trong khi đó Nguyễn Quang Thân cũng lựa chọn những nhân vật "có vấn đề" của triều đại nhà Lê, đặc biệt là Nguyễn Trãi, để viết Hội thề. ở đây, cái "leitmotiv" được lựa chọn là sự xung đột giữa quyền lực võ biền với trí thức mà đại diện là Nguyễn Trãi. Sự trở đi trở lại của chủ đề chính này cũng diễn ra trong thời gian đa chiều như trong Hồ Quý Ly. Chứ chủ đề chính của tác phẩm không phải là sự tương phản giữa tình yêu của Lê Lợi và của Nguyễn Trãi với tình yêu của hai tên tướng Ngô như có người nhận xét. (Thực tế, cái gọi là "mối tình" của viên hàng tướng Thái Phúc và của viên bại tướng Vương Thông chỉ hiện ra rất mờ nhạt, Nguyễn Quang Thân chỉ nhắc đến nó ba lần: một lần cho Thái Phúc, hai lần cho Vương Thông. Mà đúng ra nó chỉ giống như tình dục hơn là tình yêu. Không đáng phải bàn!) Còn cái chủ đề chính kia mới thực sự làm Nguyễn Quang Thân trăn trở, cái trăn trở nhằm tôn vinh tài trí của bậc trí thức Nguyễn Trãi, sự tài trí đã giúp dân ta giành chiến thắng cuối cùng trong hoà bình mà bớt được hoạ binh đao. Chỉ có điều, không biết nhà văn có phóng đại cái mâu thuẫn đó không, và liệu có phần nào bất công với giới võ tướng nhà Lê? Chẳng lẽ với những thành tích và mất mát sau mười năm kháng chiến chống quân Minh, giới võ tướng nhà Lê lại xấu xa đến thế? Còn lời lẽ của Nguyễn Trãi trong Hội thề cũng có vẻ quá nhún nhường trước kẻ thù. Trong các trước tác được lưu giữ của Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy ông tỏ ra kiêu hùng hơn thế nhiều. (hết trích)
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/03/ong-nguyen-van-dan-tim-cach-chieu-tuyet.html#more
Chúng tôi xin phép trao đổi với ông Nguyễn Văn Dân mấy vấn đề do ông vừa đặt ra .
Thực ra, chúng tôi không muốn bàn thêm về cuốn "Hội thề" này nữa. Chúng tôi đã viết ba bài phê bình "Hội thề" : bài một : " Hội thề"- tiểu thuyết lịch sử hay phản lịch sử ?"; bài hai : " Nguyễn Quang Thân cho các tướng lĩnh Lam Sơn theo Mao khí sớm" ( hai bài này đều in trên http://trannhuong.com – vào mục "bầu bạn góp cổ phần"); bài ba : " Thử tìm nguyên nhân tác thành hiện tượng "Hội thề" "( in trên http://nguyenhuuquy2.blogspot.com – hoặc muốn tìm ba bài viết trên của chúng tôi, bạn đọc vào http://google.com , rồi đánh tên từng bài viết lên khung tìm kiếm, gõ enter sẽ đọc được)
Ông PGS.TS. Nguyễn Văn Dân là chủ tịch một hội đồng của HNVVN, nên lời luận giải của ông về tiểu thuyết "Hội thề" hẳn là rất quan trọng, chúng tôi đành phải bàn tiếp về vấn đề này.
Chúng tôi đã đọc khá nhiều bài khen "Hội thề" từ bài của ông chủ tịch hội đồng lý luận phê bình văn học ( kiêm ban giám khảo) Lê Thành Nghị, đến bài của anh Hoài Nam… tịnh không thấy ai làm ơn chỉ ra cho kẻ người trần mắt thịt này là chúng tôi cuốn tiểu thuyết này hay như thế nào, vì sao mà nó được giải thưởng, chỉ thấy lời khen ngợi chung chung rằng cứ đọc đi, hấp dẫn đấy, cứ đọc rồi sẽ biết nội dung tư tưởng rất cao siêu, sẽ tự tìm ra nhiều thông điệp cao quý, cứ đọc sẽ tìm ra nhiều ám ảnh, ám chỉ, ám …khói, ám…mê ly… mà không có một dòng chứng minh.
Than ôi, phê bình như thế mà cũng đòi phê bình, khen như thế mà cũng đòi khen, rặt những bài phê bình dùng phương pháp luận hũ nút để đi tìm một thứ giá trị ảo ở ngoài văn bản.
Thưa các nhà phê bình của HNVVN, và các nhà phê bình đang phấn đấu vào HNVVN, muốn minh định một cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị hay không giá trị, người ta phải xét mấy yếu tố như sau :
1- Nó có hấp dẫn không, văn có hay không, ngôn ngữ của tác phẩm có phải là ngôn ngữ văn học hay không ?
2- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả như thế nào ?
3- Cốt truyện có hợp lý không, có hấp dẫn không, các tình tiết có logic không ?
4- Các nhân vật lịch sử được miêu tả trong tác phẩm có cùng một bản chất với nhân vật lịch sử hay không ?
5- Thông điệp tác giả mang đến cho người đọc bằng đường truyền cảm có sâu sắc không, có chân thiện mỹ không ?
….
Mới xét thử năm yếu tố trên, năm thang điểm trên, chúng tôi đã thấy " Hội thề" không đạt được một yếu tố nào, một thang điểm nào.
Chúng tôi đã đọc "Hội thề" đến ba lần, tịnh không tìm thấy một trang nào có văn. Viết truyện mà không có văn thì dứt khoát không thể thành tác phẩm văn học. Xin các ông bà trong Ban giám khảo " tinh anh nhất, giỏi nhất HNVVN" ( theo Đỗ Ngọc Thạch) đèn giời soi sáng, chỉ cho cho chúng tôi trang nào trong "Hội thề" có văn ạ (!)
Vì hai bài phê bình "Hội thề" in trên trannhuong như vừa kể, chúng tôi phê bình dựa trên văn bản nên đã trích dẫn đầy đủ ; bài này chỉ giới thiệu những luận điểm của chúng tôi phê bình ông Nguyễn Văn Dân mà miễn cho dẫn chứng.
Xin quý vị độc giả xem ông Nguyễn Văn Dân nhận xét về vấn đề chủ yếu của "Hội thề" như là motif ( mô-típ) trung tâm :
"Ở đây, cái "leitmotiv" được lựa chọn là sự xung đột giữa quyền lực võ biền với trí thức mà đại diện là Nguyễn Trãi. Sự trở đi trở lại của chủ đề chính này cũng diễn ra trong thời gian đa chiều" (hết trích)
Có lẽ Nguyễn Văn Dân hình như không thuộc sử, hoặc ông có thể học sử mà quên các trang sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nên mới đồng cảm với ông Nguyễn Quang Thân khi ông Thân dám bịa ra lịch sử, đánh tráo sự thật lịch sử bằng các mỹ từ : hư cấu, sáng tạo, hư ảo hóa lịch sử, làm nhòe mờ sự thật lịch sử, văn học hóa lịch sử… rằng hoàn toàn không có vấn đề nông dân và trí thức : có học và vô học được đặt ra trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chắc chắn cả hai ông, một ông tác giả "Hội thề", một ông động viên cho "Hội thề" đều chưa đọc áng hùng văn dân tộc : "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Trong áng văn bất hủ biểu hiện đầy đủ bản chất cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ấy có câu nói về tinh thần đoàn kết keo sơn của nghĩa quân như sau : " TƯỚNG SĨ MỘT LÒNG PHỤ TỬ, HÒA NƯỚC SÔNG CHÉN RƯỢU NGỌT NGÀO"
Đành rằng, viết truyện lịch sử thì phải có hư cấu, nhưng hư cấu cả ra lịch sử, bịa đặt làm sai lệch hoàn toàn bản chất các nhân vật lịch sử, trái ngược lại các sự kiện lịch sử thì quả "Hội thề" là thứ tiểu thuyết phản lịch sử rồi còn gì ? Bịa đặt ra một cuộc "đại chiến nội bộ" trong lòng cuộc chiến tranh chống giặc Minh, giữa phe mà Nguyễn Quang Thân cho là phe trí thức Bắc Hà chủ hòa của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú và phe các tướng võ biền Lam Sơn chủ chiến như Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân…là một việc làm bôi nhọ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hữu hiệu nhất.
Thế mà ông Lê Thành Nghị, trong bài viết " Hội thề - tiểu thuyết và lịch sử" cũng mới in trên báo Văn Nghệ và web HNVVN lại ca ngợi ông Nguyễn Quang Thân bằng sự bịa ra lịch sử như trên là " LẤP ĐẦY CÁC TRANG TRẮNG CỦA LỊCH SỬ" thì xin giời có mắt, soi xét dùm xem có phải cả Ban Giám khảo cuộc thi này chắc chưa ai học môn lịch sử Việt Nam ?
Bịa đặt ra một cuộc chiến tranh mất đoàn kết giữa hai phái Lam Sơn và Bắc Hà trong lòng cuộc kháng chiến cứu nước đánh đuổi quân Minh ( ý của Lê Thanh Nghị) như "Hội thề" là trái với lịch sử. Làm như sau bảy thế kỷ, một đại tướng của Lê Lợi là "thiếu úy Nguyễn Quang Thân" đột ngột sống dậy hiện về rỉ tai ban giám khảo cuộc thi tiểu thuyết rằng : " Đừng nghe tay "trí thức không bằng cục phân" Nguyễn Trãi bịa chuyện, làm chó gì có chuyện đoàn kết, có chuyện " Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; rằng Quang Thân tôi chứng kiến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà, hai phe trí thức Bắc Hà và phe vô học Thanh Hóa cãi nhau như mổ bò, luôn gầm ghè đòi giết nhau, rằng có thằng trí thức thì không có bọn nông dân chúng ông đâu nhá ! Thực ra hai phe này bất cộng tác với nhau từ khi hội thề Lũng Nhai mà…"
Thế là ban giám khảo giải thưởng tiểu thuyết khi xét giải " Hội thề" viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, liền tin ngay lời Nguyễn Quang Thân mà bác bỏ những lời ngay thẳng của Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô đại cáo", bằng cách trao ngay giải thưởng hạng A cho kẻ "nói thật" Nguyễn Quang Thân, nhất nhất cho lời Nguyễn Trãi là "làm chứng dối"…
Ông Nguyễn Văn Dân cần nhớ rằng thời cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn là thời kỳ Nho giáo, chứ không phải thời kỳ Mao – ít đặt vấn đề giai cấp nông dân cần tiêu diệt trí thức. Mà đạo đức Nho giáo coi chữ thánh hiền là thiếng liêng, không một ai trong xã hội, từ kẻ phu phen tiểu nhân ít học đến người quân tử khoa bảng dám khinh rẻ chữ nghĩa hay người học nhiều. Nguyễn Quang Thân đem tư tưởng thời nay, ngôn ngữ thời nay nhét vào miệng các nhân vật lịch sử đầu thế kỷ 15 là chuyện không thể hiểu, giống như ông tả Lê Lợi điều binh khiển tướng qua màn hình Internet vậy. Thật là nực cười khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phạm Vấn… nói người này là " trí thức", người kia là "vô học", liên tục nhắc lại các thành ngữ trong Mao tuyển, ví như bảo nhau : "Người trí thức không bằng cục phân"…
Lấy một "đại mâu thuẫn" ảo gán ghép, áp đặt lên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dùng làm motif trung tâm, "Hội thề" đã hỏng, đã sai, đã dở, đã bậy ngay từ đầu, thế thì xin hỏi các ông, các ông trao giải cho cuốn này có phải vì "công bôi nhọ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn" của Nguyễn Quang Thân chăng ?
Xin quý vị cùng chúng tôi tham khảo bài viết của nhà văn Phạm Viết Đào :[ " Đọc "Hội thề" của Nguyễn Quang Thân] trên http://phamvietdaonv.blogspot.com , một người muốn "bênh vực Hội thề", đã được Nguyễn Quang Thân mừng rỡ cám ơn công khai trên web này, xin lấy bài của ông Đào về in trang nhà của mình : http://thanngan.tk/ cũng phải nói lên sự thật về cái bậy nơi cuốn sách này như sau :
"Theo người viết bài này, Phạm Vấn và Lê Sát bị Nguyễn Quang Thân tô quá đậm, có phần phóng đại trong cái bối cảnh không ăn nhập, đó là một chỗ non yếu sinh tử trong cấu tứ của tiểu thuyết Hội thề. Nói theo ngôn ngữ thể thao, việc mô tả cốt cách của những con người như Phạm Vấn, Lê Sát đại diện cho phái chủ chiến đã không được Nguyễn Quang Thân chọn "điểm rơi", "điểm đệm bóng" đúng thời điểm, vị trí để từ cái "điểm rơi" này mà đệm, đưa bóng vào "cầu môn" hoạch định - "chủ đề" đã đề của cuốn tiểu thuyết; do chọn "điểm rơi" không chuẩn, thành sức công phá của quá bóng có phần bị hụt hơi nếu không muốn nói ra bay xa ra khỏi khu vực cầu môn" ( hết trích)
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/02/oc-hoi-cua-nguyen-quang-than.html#more
Sau khi lấy dẫn chứng về việc Nguyễn Quang Thân "bôi nhọ" các tướng lĩnh Lam Sơn quê Thanh Hóa, tác giả Phạm Viết Đào kết luận :
"Có thể nói đó là cách nhìn nhận, mô tả thiên lệch này đã quán xuyến từ đầu đến cuối trong tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân khi mô tả cái đám chủ chiến, phái " võ biền " trong lực lượng nghĩa quân Lam Sơn ?!" ( hết trích)
Ngay người tìm cách biện minh cho Nguyễn Quang Thân là Phạm Viết Đào cũng phải thừa nhận việc tác giả cuốn sách trên bịa đặt ra cuộc đại chiến mâu thuẫn nội bộ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là sai, là không có cơ sở. Trong bài đã dẫn, ông Đào viết :
"Nếu nói về sự phân tâm trong nội bộ nhà Hậu Lê, sự chia phe phái tìm cách chèn diệt lẫn nhau thì phải chọn cái thời điểm khi Lê Lợi lên ngôi vua và chia ngôi thứ,công trạng cho nhưng người từng nằm gai nếm mật sau khi đã thu giang sơn về từ tay nhà Minh. Còn chọn thời điểm cận với giai đoạn diễn ra Hội thề Đông Quan là thiếu cơ sở…" ( hết trích)
Mặc dù muốn làm "nhẹ tội" cho tác giả "Hội thề", nhưng Phạm Viết Đào cũng phải thừa nhận những vấn đề Nguyễn Quang Thân đặt ra trong "Hội thề" là áp đạt, là thiếu cơ sở, phản lịch sử như sau :
"Nếu như cách mô tả của Nguyễn Quang Thân thì cái đám chủ chiến ấy, cái đám võ biền gắn kết với nhau một cách bản năng, do những tham vọng thôi thúc chứ họ chẳng có lý tưởng gì cao sang; thủ lĩnh của cái đám này tiêu biểu nhất, đừng đầu chính là Lê Lợi? Vì vậy mà đám học trò Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Thị Lộ… lạc vào đây như con công lạc vào đàn quạ ?
Nhìn nhân, đánh giá như vậy liệu có phi thực tế lịch sử ? Xin thưa những con người từng gia nhập, đứng dưới cờ nghĩa quân Lam Sơn, từng vào sinh ra tử với Lê Lợi như Phạm Vấn, Lê Sát liệu họ có đúng là do bị thôi thúc bản năng hay chỉ vì tham vọng bản năng nào đó? Xin mở ngoặc, theo mô tả của tác giả; Phạm Vấn là anh vợ Lệ Lợi là con một điền chủ nhà giàu, bỏ cơ nghiệp để theo Lê Lợi và lập được nhiều công thì không thể tầm thường được trong gia đoạn xảy ra Hội thề. "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi Huyện quân không một đội ".
Nếu Phạm Vấn, Lê Sát đúng như Hội thề mô tả thì làm sao vượt qua được những thử thách chết người thảm khốc ấy ? Cách mô tả của Hội Thề có xa lạ với những gì mà Nguyễn Trãi đã từng viết trong Bình Ngô Đại cáo về các quan hệ nội bộ nghĩa quân Lam Sơn trước khi đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi: "Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…"
Đó chính là cái bất cập của Hội thề do việc chọn điểm rơi sai; đó cũng chính là chỗ yếu, chỗ hụt hơi của Nguyễn Quang Thân khi xây dựng hình tượng nhân vật của 2 tuyến nhân vật. Do đẩy năng không đúng chỗ, đúng thời điểm nên quá bóng được xút vào khung thành đã không đủ sức công phá nếu không muốn nói là lạc đường…
Thực ra, lý giải theo cách của Nguyễn Quang Thân: do Lê Lợi không ưa trí thức dẫn tới những khu biệt đối xử với giới trí thức Đông Đô là một nhìn nhận không chuẩn và không căn cứ vào bối cảnh và thực tế lịch sử lúc đó. Chính Nguyễn Quang Thân đã có lúc nhét vào mồm Nguyễn Thị Lộ những lý giải sau đây về thời thế sau khi nhà Lê hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi quân Minh:" Trước ngày ông vào, đánh trận nào thắng, các tướng lén cho ngựa thồ vàng bạc lấy được của địc về nhà.Ông lại khuyên vua nghiêm trị kẻ tham nhũng, bản thân ông vẫn dưa muối nài chi gấm là nhưu thời bất đắc chí ở Đông Quan. Họ vào sinh ra tử, ông với tôi suốt ngày quanh quẩn nơi màn trướng. Họ để vợ con trông nom nơi vườn ruộng ở quê còn ông thì mang tôi vô quân ngũ, hú hí bên nhau.. Họ muốn lập Nguyên Long cháu họ Phạm để dễ bề khống chế về sau, ông vơi Hãn nhất mực khen ngợi Tư Tề tài đức, xứng đáng nối nghiệp…"
Theo người viết bài này việc tranh giành quyền lực dẫn tới xung đột căng thẳng dẫn tới những hành vi, tiểu nhân, tàn ác Lê Vấn, Lê Sát giữa phái Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo chỉ có thể bộc lộ khi chiến tranh kết thúc …Sự xung đột này bắt nguồn từ việc ủng hộ người kế vị Lê Lợi…
Phái Phạm Vấn, Lê Sát muốn Nguyên Long lên làm vua; trong khi Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn lại cho Tư Tế mới xứng đáng…Cái sự ủng hộ này xuất phát từ các quyền lợi chính trị,cách nhìn nhận về lợi ích quốc gia chứ không phải xung đột giữa anh ít học và anh có chữ, giữa phái võ biền, nông dân và phái trí thức có chữ nghĩa? ( hết trích)
Xin đọc tiếp lời tác giả Phạm Viết Đào, trong sự nương tay, cố biện minh cho Nguyễn Quang Thân, nhưng ông Đào vẫn phải khách quan nhận xét :
"Trở lại gia đoạn lịch sử trước Hội thề, cái tố chất thuộc dòng chủ lưu trong thế giới tinh thần của nghĩa quân Lam Sơn lúc đó theo người viết bài này phải là: trên dưới đoàn kết một lòng, toàn tâm toàn ý để đánh đuổi cho được quân xâm lược nhà Minh một thế lực ngoại xâm hùng hậu, tàn ác…
Những điều như Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội Thề về phái " chủ chiến ", phái " võ biền " trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn là không xác thực với dòng chủ lưu đang chế ngự thế giới tinh thần của nghĩa quân…
Nếu quả có sự phân tâm, kèn cựa, ba bè bảy mối, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như Nguyễn Quang Thân mô tả về nội bộ nghĩa quân thì làm sao mà Nguyễn Trãi đã viết lên những dòng sau đây về những điều mà nghĩa quân đã làm được:
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá đá núi phải mòn
Voi uống nước nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to quét sạch lá khô;
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ
… Trận Bồ Tất như sấm vang chớp dật
Miền Trà Lân như trúc chẻ tro bay"…?!
( Bình Ngô đại cáo )
Những dòng hào sảng như trên chỉ có thể được viết ra từ thực tế lịch sử hào hùng; nếu ai đó viết ra điều này thì hậu thế có thể nghi ngờ, những điều này do một người như Nguyễn Trãi viết ra thì không thể không có căn cứ để khẳng định: thật sự có sự thống nhất cao trong ý chí và hành động trong nội bộ nghĩa Lam Sơn trước khi xảy ra sự kiện lịch sử: Hội thề Đông Quan…Trước Hội thề Đông Quan sử sách vẫn còn lưu lại Hội thề Lũng Nhai !( hết trích)
Xin xem tiếp Phạm Viết Đào phê phán "Hội thề" :
"Dùng các sự kiện lịch sử có thật này, Nguyễn Quang Thân đã biến Hội thề thành "mảnh ruộng " gieo cấy một sản phẩm văn chương: chứng minh và khái quát lên sự đối lập giữa anh nông dân và tầng lớp trí thức, có mày không tao; nông dân mà nắm chính quyền thì trí thức nếu không bị giết thì cũng phải đi ăn mày…
Nguyễn Quang Thân nhìn nhận như vậy là có phần phiến diện, cực đoan; chỉ thấy việc làm này của Lê Lợi, Nguyên Long, chỉ thấy cái ẩm ương lúc này lúc kia của anh nông dân khi có quyền lực trong tay mà chưa nhìn thấy vai trò của nông dân trong toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc" ( hết trích)
Xin ông Nguyễn Văn Dân xem tiếp người có ý định "chiêu tuyết" cho "Hội thề" là Phạm Viết Đào phê phán khá khách quan những sai lầm chết người của cuốn tiểu thuyết được giải thưởng :
"Trong Hội thề, tác giả đã xây dựng đậm nét một số nhân vật như Thái Phúc, Trần Trí, Sơn Thọ, Thôi Tụ… nhưng chủ yếu tập trung vào hai nhân vật chủ đó là Vương Thông và Thái Phúc…
Về phía đội "quân xanh" này, Nguyễn Quang Thân mô tả sai lạc, bịa đặt và gán ghép nhiều tình tiết, đó là điều đáng chê trách. Người đọc hiểu đây là một tác phẩm văn học nên tác giả muốn sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối sánh; Để làm rõ cái chất thô lậu, hung tàn, hiếu sát của một số tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Quang Thân đã làm một cái cái việc không hay ho:mô tả những viên tướng nhà Minh, những kẻ đi xâm lược từng gây ra biết bao tội ác với Đại Việt như những hiệp sĩ, những con người có học và cao thượng?
Việc Hội thề, mô tả Nguyễn Trãi có quan hệ suồng sã với hàng tướng Thái Phúc; nhường khoang thuyền để Thái Phúc cho y hú hí với một cầm ca; Thái Phúc được mô tả như một hàng tướng cao thượng tới mức, mười năm không biết mùi đàn bà:…Để cho Nguyễn Trãi xưng hộ huynh đệ với Thái Phúc và viết nên những đoạn buông tuồng sau đây…Khi nghe Nguyễn Trãi hỏi:" Tôi nghe dân tình nói quân sĩ của huynh mỗi lần ra ngoài thành đều có chuyện cưỡng hiếp. Tôi không tin huynh vô can ". Thái Phúc đã đấm ngực thề rằng:" Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không thể ép liều yếu đào tơ.Huynh có tin hay không thì tùy, nhưng bản thân đệ xin thề là chưa một lần phạm cái tội hèn mạt ấy "???
Nguyễn Quang Thân đã gán vào miệng Nguyễn Phi Khanh khi bị bắt giải sang Trung Quốc, chuyện này đã được Hội thề mô tả qua lời kể của Thái Phúc. Nguyễn Phi Khanh đã nói với Thái Phúc: "Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu câu: Tứ hải giai huynh đệ. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn tôi nhưng xin cho tôi được coi người là anh ?"
Trời đất ơi, một con người như Nguyễn Phi Khanh, gạt nước mắt khuyên Nguyễn Trãi hãy quay về tìm cách cứu nước, đánh đuổi quân Minh, trả thù cho cha…đừng có chạy theo khóc lóc như đàn bà mà lại có thể buông ra những lời thớ lợ như vậy với tên tướng Minh đang áp giải mình hay sao? ( hết trích)
Xin ông Nguyễn Văn Dân xem tiếp về món "thông điệp" của "Hội thề" gửi đến hôm nay bằng một chương có bốn "chữ vàng" : " TỨ HẢI GIAI HUYNH" [ bốn biển đều là của anh Trung Hoa cả - nên việc anh tướng giặc THÁI PHÚC, VƯƠNG THÔNG lấy lưỡi bò liếm hết biển của bọn em là NGUYỄN PHI KHANH- NGUYỄN TRÃI là hoàn toàn chí phải ạ (!)] như sau :
"Thái Phúc mới chỉ cho cưỡi nhờ ngựa một đoạn đường mà hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi đã bùi ngùi, rưng rưng nhận làm em Thái Phúc; ngày nay nếu được tặng một cái ôtô, những đoàn tàu cao tốc, cho vay tiền xây nhà máy luyện nhôm thì ơn nghĩa để đâu cho hết ? Chắc phải gọi người Tàu bằng cụ mất thôi?! Đời trước mà Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi cũng chỉ xoàng thế thôi a ?
Chưa hết, đây là một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:" Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái.Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh với thân phụ tôi và em trai tôi trong những ngày đi đày trên ải bắc. Còn cái vài này là cảm tạ công lớn của đại huynh đối với nghĩa quân và sinh linh hai nước, vài này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút này là Trãi…"
Hay một đoạn đối thoại khác giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc:
"Nước mắt Nguyễn Trãi tuôn áo vạt áo xanh. Viên lão tướng thì sụt sùi.Ông nói, mếu máo như trẻ con:
-Tôi xin nhận tình huynh đệ.Và cũng xin có một lời thưa.Xưa đến nay, trong các danh tướng, danh thần, tôi thấy chỉ Phạm Lãi là được chết trên giường bệnh.Triều nào cũng có Thượng Quan, đất nào cũng có sông Mịch La, chim phượng hoàng khó tìm chỗ đậu giữa đàn gà mái, người trung trinh nhân hậu khó lòng tìm một chỗ đặt chân.Xin huynh hãy thận trọng với lòng căm thù của kẻ vô học với người có học, của kẻ bất tài tham lam với thiên tài trong sáng…"
Hoặc:" Xin đa tạ lời vàng của hiền huynh. Trãi này cũng nghĩ thế.Nhiều lúc Trãi tự hỏi, tại sao tôi và huynh lại từng là cừu thù mà không phải là một Bá Nha một Tử Kỳ…"
Qua những gì Nguyễn Quang Thân viết thì Nguyễn Trãi chỉ có thể tìm được những lời tâm giao từ các đại ca đến từ phương bắc. Còn đối với những chiến hữu của ông thì:"Cái đau khổ nhất của ông là luôn phải cãi nhau với những người anh em Lam Sơn, những đại phu, tướng lĩnh không có mấy chữ nghĩa, kể cả nhà vua. Ông bực bội với những lý sự cùn, những kiến giải bất cập nhiều lúc có thể bẻ lái con thuyền nghĩa quân húc vào ghềnh thác…Ông có thù oán gì họ không ?Thật lòng là không.Ông cảm phục lòng dũng cảm gan góc xả thân của họ…Ông thương yêu họ, thành tâm muốn gần gũi họ dù cứ bị hắt ra như người ta coi chừng kẻ lạc loài gian manh và sớm đầu tối đánh bên cạnh mình.Nỗi đau đến tuyệt vọng vì ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ bọn họ có thể hiểu được ông…"
Liệu những điều mà Nguyễn Quang Thân viết về quan hệ giữa Nguyễn Trãi với Thái Phúc có vênh với nhưng điều Nguyễn Trãi đã viết sau đây:
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngậm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống…
Còn Vương Thông thì được Nguyễn Quang Thần giành cho những trang khá là ưu ái: thua bại đến nơi rồi mà vẫn còn cao thượng, galăng, anh dũng với chị em phụ nữ. Người viết bài này đoán Nguyễn Quang Thân " suy bụng ta ra bụng bò ". Cứ tưởng ai cũng sẵn sàng xả thân vì chị em như mình. Trước cái đêm mở cửa thành ra để tham gia hội thề, cuốn cờ về nước, Vương Thông còn mang theo 200 kỵ mã, liều chết mở cửa thành để đưa người con gái Đại Việt mà y cướp được trả về cho bố mẹ của cô…" ( hết trích)
http://phamvietdaonv.blogspot.com/2011/02/oc-hoi-cua-nguyen-quang-than-phan-con.html#more
Sở dĩ chúng tôi phải trích khá nhiều ý kiến của nhà văn Phạm Viết Đào vì những điều ông Đào phê phán "Hội thề", đã được ông Nguyễn Quang Thân cám ơn, coi như phê phán đúng, nên ông Thân mới đưa toàn bộ bài viết này về trang nhà hi vọng "biện minh".
Chỉ bằng những trang Phạm Viết Đào phê phán như trên, ta cũng thấy "Hội thề" quả là một tiểu thuyết phản lịch sử, phản "Bình Ngô đại cáo", xuyên tạc, bôi nhọ các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Nguyễn Trãi…, đập đổ thần tượng cha ông, rước giặc về thờ.
Xin hãy quay lại đoạn văn bé bằng bàn tay của ông Nguyễn Văn Dân " rón rén", chiêu tuyết cho giải thưởng "Hội thề".
Khi ông Nguyễn Văn Dân viết như thế này, chứng tỏ ông chưa đọc kỹ "Hội thề", dám bỏ phiếu cho nó được giải thưởng :
"Thực tế, cái gọi là "mối tình" của viên hàng tướng Thái Phúc và của viên bại tướng Vương Thông chỉ hiện ra rất mờ nhạt, Nguyễn Quang Thân chỉ nhắc đến nó ba lần: một lần cho Thái Phúc, hai lần cho Vương Thông. Mà đúng ra nó chỉ giống như tình dục hơn là tình yêu. Không đáng phải bàn!" ( hết trích)
Ưu điểm lớn nhất của "Hội thề" mà ông Dân khen đấy là một ưu điểm ảo, một ưu điểm bịa là vấn đồ mâu thuẫn nội bộ giữa phe trí thức và phe nông dân vô học trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ( đã bị Phạm Viết Đào thẳng thừng đập tan). Ông Dân cũng "rón rén" nêu ra một số "khuyết điểm của "Hội thề" như sau :
"Chỉ có điều, không biết nhà văn có phóng đại cái mâu thuẫn đó không, và liệu có phần nào bất công với giới võ tướng nhà Lê? Chẳng lẽ với những thành tích và mất mát sau mười năm kháng chiến chống quân Minh, giới võ tướng nhà Lê lại xấu xa đến thế? Còn lời lẽ của Nguyễn Trãi trong Hội thề cũng có vẻ quá nhún nhường trước kẻ thù. Trong các trước tác được lưu giữ của Nguyễn Trãi, chúng tôi thấy ông tỏ ra kiêu hùng hơn thế nhiều.(hết trich)"
Một cuốn tiểu thuyết chỉ toàn khuyết điểm, những vấn đề mấu chốt tác phẩm đặt ra toàn thiếu cơ sở khoa học, trái ngược sự thật lịch sử như vừa dẫn trên cớ sao nó lại được HNVVN cho giải thưởng? Đấy là chưa kể những sự bịa đặt quá lố của Nguyễn Quang Thân như bịa ra cánh đồng ngô bờ sông Hồng khi lúc đó cây ngô chưa có mặt ở Việt Nam, bịa ra con đường Cổ Ngư khi đó chỉ là mặt nước hồ Dâm Đàm, bịa ra Khuê Văn Các khi mấy trăm năm sau mới có, bịa ra chức ông tiên chỉ cũng mấy trăm năm sau mới có… Đấy là chưa kể Nguyễn Quang Thân viết nhiều chỗ chưa đúng tiếng Việt : như nói nghĩa quân trói tù binh bằng vỏ chuối, gọi cô gái bán hàng hoa là gái bán hoa, cho ông tướng cưỡi ngựa mà lấy chân thúc lên lưng ngựa…v…v…và …v…v…
Viết bài báo này, một lần nữa chúng tôi yêu cầu ban giám khảo giải thưởng tiểu thuyết của HNVVN vừa qua hãy tường trình vì sao các ông lại cho một cuốn tiểu thuyết hết sức kém về nghệ thuật, rất sai trái, bậy bạ về nội dung như cuốn "Hội thề" này được giải thưởng cao nhất : hạng A.,.
Sài Gòn ngày 13-03-2011
TRẦN MẠNH HẢO
No comments:
Post a Comment