Wednesday, March 16, 2011

Động đất tại Nhật- Cha Lý chờ bị giam lại.


2011-03-16

Nhật Bản đang gặp phải biến cố lớn nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến khi bị trận động đất dữ dội tới 9 độ Richter hôm thứ Sáu tuần rồi. Tại Việt Nam thì linh mục Nguyễn Văn Lý đã hết hạn tự do tạm, chính quyền có thể bắt ông đem vào tù trở lại.

AFP photo

Sóng thần tàn phá.

Hướng về nước Nhật đau thương

Động đất gây nên sóng thần khiến ít nhất 10 ngàn người thiệt mạng, còn gây trở ngại kỹ thuật làm nổ lò phản ứng nguyên tử, tạo hậu quả lâu dài. Và 30 ngàn người hiện không liên lạc được đang gây quan ngại rằng mức tử vong sẽ lên cao thêm nhiều nữa.
Qua blog Phạm Viết Đào, một cảnh sát người Nhật gốc Việt, anh Hà Minh Thành, mô tả thảm cảnh này:

"...có rất nhiều tu nghiệp sinh và thực tập sinh VN hiện đang làm việc tại khu vực Sendai, chắc chắn chính phủ VN chưa có phương án tìm kiếm hay hỗ trợ nào cho họ…"

cảnh sát Nhật, anh Hà Minh thành

"Chỉ có thể nói là kinh hoàng. Trong 36 năm sống ở Nhật, chứng kiến không biết bao nhiêu lần động đất và thiên tai nhưng lần này với tôi là lần đầu tiên có cảm giác khiếp sợ. Hơn 55 đồng nghiệp cảnh sát, trong đó không ít bạn hữu cùng khoá cảnh sát SS86 của tôi ở Fukushima đã vĩnh viễn ra đi khi họ đi kêu gọi dân chúng di tản khỏi các khu vực bị cảnh báo sóng thần. Hiện tại tôi đang được biệt phái hỗ trợ tại Sendai. Cảnh tượng thật khủng khiếp, so với trận động đất ở Kobe 16 năm về trước thì kinh hoàng hơn rất nhiều. Theo tôi biết có rất nhiều tu nghiệp sinh và thực tập sinh VN hiện đang làm việc tại khu vực Sendai, chắc chắn chính phủ VN chưa có phương án tìm kiếm hay hỗ trợ nào cho họ…"

Tan hoang. AFP photo
Tan hoang. AFP photo

Blogger Hiệu Minh cũng không khỏi "Hướng về nước Nhật", mô tả thảm cảnh này, cùng sự bình tĩnh của người Nhật và sau cùng nêu lên câu hỏi rằng "Người Việt ta làm gì để giúp bạn Nhật?".
Blogger Hiệu Minh cho biết:
"Có lẽ ai cũng nghĩ, Nhật giầu lắm, nền kinh tế thứ 3 thế giới, chẳng cần sự giúp đỡ của người nghèo VN. Nhưng xem tin tức, bạn sẽ biết, sự giúp đỡ to lớn đang đổ về nước Nhật từ khắp thế giới, từ vật chất đến tinh thần, từ nước giầu đến nước nghèo.Nếu bạn đi trên những con đường cao tốc, những cây cầu hiện đại như Thanh Trì, cầu treo Bãi Cháy, thì hãy nghĩ, một phần trong đó được đồng bào phía Bắc Nhật Bản đóng thuế. Họ cho chúng ta vay để phát triển. Rất nhiều người chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam và có thể không còn cơ hội nào nữa. Trước mất mát của họ, bạn biết rõ cần phải làm gì.
Trung Đông nằm ở rốn các giếng dầu. Đó là đô la, vàng, nhưng cũng là mầm mống của xung đột. VN nằm ở rốn các cuộc chiến tranh. Nước Nhật nằm ở rốn của các trận động đất và sóng thần. Khó mà biết đất nước nào bất hạnh hơn....

Đóng góp tiền bạc, vật dụng quan trọng, hay tham gia cứu trợ là thiết thực nhất
blogger Hiệu Minh

Đóng góp tiền bạc, vật dụng quan trọng, hay tham gia cứu trợ là thiết thực nhất. Nếu có chỗ nào quyên góp thì bạn hãy dừng lại nghe ngóng. Không có điều kiện thì đừng nghĩ đó không phải là việc của mình. Sự thờ ơ sẽ giết cả tâm hồn chúng ta. Có một việc làm rất dễ. Gửi email, gọi điện hỏi thăm bạn hay đồng nghiệp Nhật hay đồng bào Việt ta bên đó. Nếu không có người quen, hãy xem tin tức về nước Nhật, hướng về những nơi đang chịu mất mát, cầu chúc cho họ vượt qua nỗi đau.
Thử tưởng tượng, một hôm nào đó, bạn ở trong tâm chấn, nhà cửa hoang tàn, sóng biển xô vào và cuốn đi tất cả. Có thể bạn còn sống, ở một nơi nào đó, cô độc và nhận ra, chẳng có ai nghĩ đến bạn cả. Tai họa đó còn khủng khiếp hơn nhiều."

Nhìn Nhật, nghĩ đến Việt Nam

Thiên tai thảm khốc tại xứ Phù Tang khiến người ta liên tưởng tới nguy cơ liên quan tiếp tục đe doạ quê hương VN. Qua bài tựa đề " Từ thảm hoạ hạt nhân đe doạ Nhật Bản, nghĩ về nhà máy điện hạt nhân và bể chứa bùng bauxite" được Blog bô-xít VN phổ biến, tác giả Nguyễn Hoàng Hà bày tỏ sự trăn trở này:    
"Mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát đi các hình ảnh về thảm họa sóng thần đã tàn sát Nhật Bản … Và nay chuyện về nhà máy điện nguyên tử của Nhật vừa bị nổ đã lại làm người dân Nhật và thế giới phải quan tâm hơn. Chắc chắn tin này đã phải làm cho những ai bạo gan đưa ra kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử ở phía Nam Việt nam và khai thác bauxite ở Tây Nguyên không thể không lạnh gáy. Những cảnh cáo của các nhà khoa học, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Đồng Sỹ Nguyên và của đại đa số nhân dân trong nước và ngoài nước đang được để lên bàn nghị sự tới đây ở Việt Nam.….Tại Việt Nam dù mới chỉ là giai đoạn đầu của việc tiến hành xây dựng công trình khai thác bauxite, dư luận đã cảnh báo về một bể chứa bùn đỏ khổng lồ, một quả bom bùn đổ đầy hóa chất trong tương lai treo lơ lửng trên đầu người dân Tây Nguyên và những vùng rộng lớn thấp dưới khu vực này. Lại nữa, các nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam sẽ được xây dựng ở Ninh Thuận mà trong lịch sử chính biển Phan Thiết năm 1923 đã từng tuôn trào núi lửa. …Người ta tự hỏi liệu ở Việt Nam có thể có động đất ở cường độ 6,3 độ Richter hay mạnh hơn như ở Nhật Bản hôm nay không. Không một ai dám nói là không. Vậy người ta thấy những lời khẳng định về "sự an toàn tuyệt đối" của những nhà hùng biện, cùng là nhà phát minh ra đại kế hoạch bauxite ở Tây Nguyên và các nhà máy điện nguyên tử Việt Nam có thể tin tưởng được hay không?"

Động đất tàn phá. AFP photo
Động đất tàn phá. AFP photo

Giữa lúc đất nước Phù Tang bị thiên tai chiếu cố gần như triền miên như vậy, từ năm 1923 khi động đất đã giết chết 140 ngàn dân Nhật, rồi 1 loạt thiên tai sau đó, cho tới trận động đất ở Kobe hồi năm 1995 khiến khoảng 6 ngàn tử vong, và thiên tai dữ đội hiện giờ như cả thế giới đang theo dõi, thì blogger Hà Văn Thịnh cho biết có một giáo viên Trung học phổ thông hỏi ông rằng vì sao Nhật Bản động đất nhiều đến thế, mức tử vong và thiệt hại nhiều như thế mà họ vẫn giàu, vẫn phát triển. Blogger Hà Văn Thịnh trả lời qua bài tựa đề "Nhục Và Đau", như sau:

Dân ta hồi đó – sau đó không chịu nhục. Dân ta bây giờ chỉ biết thở dài là nhục và đau (?)
blogger Hà Văn Thịnh

"Họ hơn Việt Nam 3 điều. Một, năm 1868, Nhật Hoàng Mushuhito tuyên bố "Thời kỳ học hỏi lâu dài nền văn minh Trung Hoa phải chấm dứt. Kể từ đây phải học hỏi phương Tây để đuổi kịp và vượt phương Tây sau 100 năm". Mushuhito đã bày tỏ quyết tâm không dây dưa với Trung Quốc bằng cách huỷ bỏ âm lịch, dùng dương lịch… Còn chúng ta thì cứ ăn theo, chạy theo, sợ hãi Trung Quốc nên mới ra nông nỗi này. Hai, lãnh đạo của Nhật tuyệt đại đa số luôn vì dân, vì lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước. Ba, dân Nhật chịu khó, tiết kiệm, có lòng tự tôn và dũng cảm hơn dân ta. Tôi trả lời thế không biết đúng sai thế nào xin các bậc thức giả góp ý. Có thể tôi không đúng hoặc là đúng chưa nhiều, nhưng đừng vì thế mà đổ hô cho tôi là phản động. Những năm 1936 – 1939 dân ta do trí thức vận động đưa hết thỉnh cầu này tới thỉnh nguyện khác cho bọn thực dân và lũ bán nước. 70 năm sau, lại vẫn tiếp tục thỉnh cầu thì đúng quả thật là, lịch sử đang bị đùa giỡn một cách bi hài. Dân ta hồi đó – sau đó không chịu nhục. Dân ta bây giờ chỉ biết thở dài là nhục và đau (?). Thử hỏi, nếu đổi đời rồi mà vẫn còn nhục và đau thì có gì để vui, để tự hào?"

Linh mục Lý đã sẵn sàng

Bước sang những vấn đề trong nước, thưa qúy vị, blog "Nhân quyền-Dân chủ Cho VN" vừa đề cập tới 1 bức thư  từ Huế ngày 13-3-2011 mà LM Nguyễn Văn Lý– tù nhân lương tâm – cho là ông có thể viết lần cuối, qua đó, ông nói lên lời cảm tạ với những ai đã ủng hộ ông và cho biết ông "liên tục hiệp thông mặc áo trắng, ăn chay cầu nguyện cho quốc sự nhằm tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội độc diễn ngày 22 tháng 5 năm nay; chống giặc Tàu và tiến hành giải thể chế độ CSVN; đồng thời thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng tại VN". Lời đầu tiên trong thư mà LM Nguyễn Văn Lý gởi cho "đồng bào VN thân yêu trong và ngoài nước", được trình bày như sau:

Cha Lý tại toà tháng 3-2007
Cha Lý tại toà tháng 3-2007

vì sau ngày 15-3 tới đây, có thể tôi không còn điều kiện để lên tiếng với Qúi Vị và Bạn hữu dễ dàng nữa,
LM Nguyễn Văn Lý

"Có thể đây là lần cuối cùng tôi có thể gửi đến Lời Cảm Ơn và Mời Gọi quen thuộc đã được lặp lại 22 lần vào mỗi ngày Chủ Nhật (CN) vì sau ngày 15-3 tới đây, có thể tôi không còn điều kiện để lên tiếng với Qúi Vị và Bạn hữu dễ dàng nữa, khi bị giam giữ một cách nào đó nghiêm ngặt hơn. Xin cảm ơn tất cả thật nhiều."
Và Cha Lý cho biết nếu bị trở lại trong tù, ông sẽ tuyệt thực liên tục nhiều đợt.

Trong ngoài nước đều quan tâm

Trong khi đó nhiều mạng nhật ký, nhất là Nhân quyền-Dân chủ cho VN, có bài đồng loạt kêu gọi VN trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức cho LM Nguyễn Văn Lý, cũng như bày tỏ quan ngại cho sức khoẻ của ông.
Qua Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, 10 nhà lập pháp Hoa Kỳ, kể cả những dân biểu nổi tiếng như Christopher Smith, Frank Wolf, Dana Rohrabacher, Ed Royce, Loretta Sanchez, đồng ký tên trong 1 văn thư gởi Chủ tịch nước VN Nguyễn Minh Triết yêu cầu trả tự do vĩnh viễn và vô điều kiện cho LM Nguyễn Văn Lý, và lưu ý rằng:

chúng tôi trân trọng yêu cầu ông (Chủ tịch nước) bảo đảm rằng Cha Lý tiếp tục không bị tù tội
10 dân cử Hoa Kỳ

"Để tôn trọng quyền con người được quốc tế công nhận và trong tình trạng sức khoẻ suy yếu của Cha Lý, chúng tôi trân trọng yêu cầu ông (Chủ tịch nước) bảo đảm rằng Cha Lý tiếp tục không bị tù tội và chính quyền VN phải công nhận và tôn trọng các quyền con người và tự do của cha Lý và của tất cả nhân dân VN".
Vẫn theo các dân biểu Mỹ thì chính giới cầm quyền VN vi phạm những nguyên tắc căn bản về nhân quyền và ngay cả luật pháp VN khi không cho Cha Lý có luật sư biện hộ hay chính ông tự biện hộ trong phiên toà mà đã kết án ông 8 năm tù cộng 5 năm quản chế.

Bích chương ở San Jose, cảnh Việt Nam đàn áp ngay tại toà.
Bích chương ở San Jose, cảnh Việt Nam đàn áp ngay tại toà.

Cũng blog vừa nói phổ biến bài của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch tại Á Châu cho biết tổ chức nhân quyền này thúc giục giới cầm quyền VN trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Cha Lý và huỷ bỏ mọi cáo trạng đối với ông. Theo viên chức nhân quyền này thì Cha Lý phải tiếp tục được tự do và không trở lại lao tù khi ông hết hạn tạm tha để chữa bệnh. Vẫn theo viên chức này thì Cha Lý bị kết án vì niềm tin chính trị ôn hoà, và lẽ ra ông không bao giờ bị đưa ra toà.
Ông Robertson nhấn mạnh rằng VN tiếp tục chối bỏ những quyền tự do căn bản của người dân, cầm tù bất công những nhà hoạt động ôn hoà như Cha Lý. Và, theo ông Robertson, đưa Cha Lý trở lại lao tù thêm 5 năm nữa sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khoẻ của ông.
Trong khi đó, nhiều tổ chức khác, từ Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho tới Khối 8406…đều lên tiếng tương tự.
Thưa qúy vị, cho tới tối hôm qua, LM Nguyễn Văn Lý vẫn còn ở Nhà Chung thuộc Tổng Giáo Phận Huế, chưa thấy bóng dáng công an hay những quan chức liên hệ tới đưa ông trở lại cảnh đoạ đầy như giới cầm quyền đe doạ gần đây. Điều sau nhất Cha Lý lên tiếng với Đài ACTD như sau:

Sự nghiệp này tôi xin trao phó cho 90 triệu dân VN. Phần tôi, tôi là người xung kích châm ngòi lửa. Hiện giờ lửa đã cháy rồi...
LM Nguyễn Văn Lý

"Sự nghiệp đấu tranh cho dân tộc của tôi thì cũng còn bao nhiêu người tài giỏi, khoảng 90 triệu người Việt khắp nơi – quốc nội cũng như hải ngoại. Sự nghiệp này tôi xin trao phó cho 90 triệu dân VN. Phần tôi, tôi là người xung kích châm ngòi lửa. Hiện giờ lửa đã cháy rồi. Nhiệm vụ của tôi châm ngòi đã châm xong. Nay có thể hướng dẫn để ngọn lửa cháy như thế nào cho hiệu quả hơn mà thôi."
Nhân nói tới cảnh tù đày phi lý và bất công ở VN, có lẽ một trường hợp khác gây nhiều chú ý sẽ bị đem ra xét xử ở Hà Nội vào ngày 24 tháng 3 tuần tới, là tình cảnh của TS luật Cù Huy Hà Vũ. Tuần tới Mục Điểm Blog sẽ trình về vấn đề này.
Mục Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi chương trình hôm nay.


No comments:

Post a Comment