Monday, May 16, 2011

Chiều cao người Việt tăng 4cm đến năm 2020

2011-05-16
Đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam sẽ từ 1m65, tăng thêm 4cm so với hiện nay.

AFP photo

Trẻ em đang đo chiều cao với nhau tại một lớp học múa Ballet ở New York, ảnh minh họa

Đây là một trong những chỉ số quan trọng được đề ra trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Liệu yếu tố dinh dưỡng có phải là một khâu quan trọng để giải quyết vấn đế này và làm thế nào để đạt mục tiêu tăng thêm chiều cao của người Việt trong vòng 9 năm tới.

Suy dinh dưỡng trẻ em

Theo thống kê của Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch mới đây, chiều cao và thể lực của người Việt Nam hiện nay vẫn còn phát triển chậm so với chuẩn quốc tế. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam, ở trẻ gái vào khoảng là 153cm, còn trẻ trai là 163cm. Các chỉ số này cũng thấp so với một số nước ở khu vực Châu Á.

Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm phát triển chiều cao ở thanh niên Việt Nam có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Tại Việt Nam tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, nhất là suy dinh dưỡng mãn tính thể thấp – chiều cao tính theo tuổi, cũng cao. Và theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, vấn đề suy dinh dưỡng mãn tính ảnh hưởng đến tầm vóc con người ở tuổi trưởng thành.

Mặc dù trong những năm gần đây tình hình kinh tế trong nước phát triển tương đối tốt, và Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là nước đạt được mức giảm tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng nhanh trong khu vực, nhưng tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng trong nước vẫn còn cao và chênh lệch giữa các địa phương và khu vực nông thôn-thành thị.

Giải thích về nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết vấn đề này do nhiều nguyên nhân:
Ở các vùng miền núi, vùng nghèo, các bà mẹ cũng chưa có đầy đủ kiến thức về việc nuôi con, cháu bé sinh ra bị ảnh hưởng, nên đó là nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm
"Thứ nhất là, ngay cả thời kỳ mang thai, ví dụ như cũng có một số bà mẹ còn chưa chú ý để nâng cao sức khoẻ, thì có thể sinh ra con nhẹ cân. Rồi trong quá trình trước tuổi học đường thì vẫn còn nhiều cháu bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở thể thấp – chiều cao tính theo tuổi thì hiện nay ở Việt Nam cũng còn khoảng 31%. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến đến tận tuổi trưởng thành, vì những cháu bị suy dinh dưỡng hồi nhỏ thì đến tuổi trưởng thành các cháu bị thiệt thòi từ 3 đến 5cm.

Nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần ăn của các cháu còn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, nếu ở khu vực nông thôn, miền núi. Ví dụ như chất đạm cũng chỉ thiếu một phần thôi, không thiếu nhiều, nhưng các vi chất dinh dưỡng như sắt, vitamin A, chất kẽm, thì đó là những vấn đề còn thiếu ở bà mẹ và trẻ em Việt Nam. Đó là những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.

Bên cạnh đó, kiến thức thực hành nuôi dưỡng trẻ của các bà mẹ Việt Nam ở những khu vực thành phố, thị xã, và một số vùng nông thôn thì tốt. Nhưng ở các vùng miền núi, vùng nghèo, các bà mẹ cũng chưa có đầy đủ kiến thức về việc nuôi con, cháu bé sinh ra bị ảnh hưởng, nên đó là nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ."

Dinh dưỡng học đường

Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai. Trong khi nhu cầu đòi hỏi phải có một đội ngũ thanh niên phát triển toàn diện có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, trí tuệ phát triển, kỹ năng nghề nghiệp cao mới có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển nhân lực. Tuy nhiên cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành liên quan, cũng như sự phối hợp giữa gia đình, học đường, và các tổ chức trong cộng đồng để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em.

000_Par6177592-250.jpg
Công chúa Hà Lan Maxima (T) thăm một dự án giáo dục cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng ba năm 2011. AFP photo
Trong cuộc Hội thảo liên ngành về vấn đề dinh dưỡng học đường, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, "vấn đề dinh dưỡng học đường cho đến nay vẫn chưa được triển khai đầy đủ và có chất lượng trên diện rộng". Lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo là giai đoạn tăng trưởng nhanh trong sự phát triển thể lực ở trẻ. Nên sự can thiệp vào giai đoạn này để kích thích sự tăng trưởng chiều cao cho trẻ là một khâu vô cùng quan trọng

Tiến sĩ Trần Chí Liêm cũng nói thêm, "việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần được tiến hành liên tục và bền bỉ trong nhiều năm. Đồng thời phải có những giải pháp riêng cho từng vùng, đặc biệt ở những vùng khó khăn."

Kinh nghiệm từ Nhật

Một chuyên gia dinh dưỡng hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, được đào tạo chuyên ngành tại Nhật bản chia sẻ kinh nghiệm của nước Nhật trong kế hoạch cải thiện chiều cao của người Nhật do những năm bị đói kém sau chiến tranh. Bà nói:

"Sau Đệ nhị Thế chiến, chiều cao trung bình của người dân Nhật bị hụt xuống mất 8cm so với 10 năm trước. Cho nên Nhật có chiến lược gọi là bữa ăn học đường; chính phủ cho mỗi đứa trẻ đi học được uống hai ly sữa mỗi ngày – nghiã là bữa ăn phụ uống một ly sữa và một củ khoai và buổi chiều được uống thêm một ly sữa với một củ khoai. Chính phủ hỗ trợ như vậy để tác động vào trẻ nhất là trẻ mẫu giáo, dưới 5 tuổi, rồi trẻ tiểu học. Nhật làm một chương trình như vậy mà phải mất tới mười mấy năm thì mới bù lại 8cm bị thiếu chứ không ít đâu."

Tại sao chính phủ Nhật đưa ra giải pháp can thiệp ở trẻ dưới 5 tuổi để phát triển chiều cao dân Nhật trong tương lai. Nữ bác sĩ dinh dưỡng này giải thích như sau:

"Cái tuổi rất quan trọng. Nghiã là tuổi càng nhỏ thì tốc độ tăng càng cao. Cho nên đối với chuyện muốn phát triển nòi giống. Thứ nhất là phải nuôi dưỡng người mẹ, nghiã là bà mẹ phải được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phải uống bổ sung thêm sữa, để cho bào thai phát triển tốt. Đến giai đoạn nhà trẻ phải chăm sóc cho tốt, rồi giai đoạn mẫu giáo, là hai thời điểm cực kỳ quan trọng. Nhưng chậm hơn nữa thì ở lứa tuổi tiểu học thì vẫn còn can thiệp được chút chút."

Đối với trẻ nhỏ, sữa là món ăn bổ dưỡng nhất giúp trẻ phát triển tốt vì:
Nhật làm một chương trình như vậy mà phải mất tới mười mấy năm thì mới bù lại 8cm bị thiếu chứ không ít đâu.

Một Chuyên gia DD
"Calci sữa có giá trị sinh học cao, đạm sữa cũng có giá trị sinh học cao. Tôi nhận thấy ở những đứa trẻ uống sữa được khoảng 600 đến 800 ml sữa/ngày thì chúng cao dữ lắm."

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, vận động thể dục-thể thao cũng là một yếu tố giúp chiều cao phát triển. Nhà trường phải tổ chức các sinh hoạt thể thao ngoài trời cho các em học sinh. Bên cạnh đó gia đình cũng chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và luyện tập của con em mình.

Để thực hiện mục tiêu nâng chiều cao của người Việt Nam hiện nay lên so với chuẩn quốc tế, cần phải có một chiến lược dài hạn với sự tham gia đồng bộ, tích cực của nhiều ban, ngành, đoàn thể, và xã hội. Trong đó việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em là một khâu quan trọng để cải thiện chiều cao của thanh niên Việt Nam trong tương lai.


Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment