Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc cho biết, một số viên đại biểu Quốc hội tặng quà cho người dân hoặc làm từ thiện nơi ứng cử. Trong khi đó, luật cấm không được dùng tiền, quà tặng cho cử tri, vận động bầu cử.
Sáng 16/5, Bộ Nội vụ đã tổ chức giao ban trực tuyến lần cuối trước ngày bầu cử. Đại diện Sở Nội vụ 7 tỉnh trong cả nước đã tham gia giao ban, nêu lên vướng mắc khi chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày bầu cử - 22/5.
Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc VN Nguyễn Văn Pha cho biết, đã có thông tin một số ứng viên tại các địa phương tặng quà cho người dân, hoặc làm từ thiện tại nơi ứng cử. "Trong khi, luật quy định rõ không được dùng tiền nhà nước, tổ chức hay cá nhân để dụ dỗ cử tri", ông Pha nêu rõ.
Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc yêu cầu các địa phương chú ý vấn đề này để việc vận động bầu cử để cuộc bầu cử diễn ra bình đẳng, không dẫn tới sai lệch. Việc tặng quà hay làm từ thiện phải cách xa thời điểm bầu cử.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn yêu cầu các địa phương tránh vì thành tích mà đóng hòm phiếu trước giờ quy định. Ảnh: H.N. |
Trong buổi giao ban, lãnh đạo Sở Nội vụ nhiều địa phương đã đề nghị được kết thúc sớm việc bỏ phiếu, hoàn tất trước giờ quy định là 19h ngày 22/5. Ông Trần Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam đề nghị tỉnh này được bầu cử sớm tại 60 điểm. Đại diện Sở Nội vụ Đắk Lắk cũng đề nghị muốn được bỏ phiếu sớm và kết thúc công tác bầu cử sớm ở nhiều điểm bởi đang là vụ đi rẫy của người dân.
Riêng Sở Nội vụ Kiên Giang đề đạt đây là tỉnh có cả biên giới lẫn biển đảo nên mong muốn lực lượng vũ trang kết thúc bầu cử xong trước 19h vì lực lượng này không có cử tri vãng lai, bỏ phiếu sớm sẽ kết thúc sớm để cơ động xử lý các vấn đề xảy ra... Tới thời điểm này, một số khu vực ở 13 tỉnh đã thực hiện xong việc bỏ phiếu sớm. Riêng xã Pha Mu (huyện Than Uyên, Lai Châu) sẽ tổ chức bầu cử đại biểu HĐND cấp xã lùi 6 tháng.
Trong khi đó, tại Nam Định, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Thất Tiệp lo lắng về nguồn điện cho bầu cử. 19h mới đóng hòm phiếu, vì thế đêm 22/5, hầu như cán bộ làm công tác bầu cử phải thức trắng, không có điện sẽ gây khó khăn lớn cho địa phương. Sở Nội vụ Thanh Hóa lại thắc mắc về vấn đề phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh này có khoảng 800.000 phiếu viết tay.
Trước ý kiến này Thứ trưởng Nội vụ Trần Hữu Thắng đã yêu cầu tỉnh này ngay lập tực kiểm tra vì lý do gì mà không in. Nếu khó khăn thì tính tới phương án huyện in cho xã. Tại các địa phương, cấp tỉnh in cho tỉnh, huyện, xã luôn...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ công tác bầu cử. Việc khiếu nại tố cáo sát thời điểm bầu cử sẽ ngừng xem xét.
"Khi trúng cử, các đơn thư sẽ tiếp tục xem xét, nếu đại biểu có khuyết điểm tới mức phải rút tư cách đại biểu thì phải rút, điều này được quy định rõ trong pháp luật", ông Tuấn nói.
Để đối phó với các tình huống bất ngờ, các địa phương cần có phương án phòng thiên tai lũ lụt, chuẩn bị đối phó và thực hiện bầu cử an toàn; tập huấn cho tổ viên tổ bầu cử, khi công tác bầu cử xong khẩn trương có báo cáo theo quy định gửi về Bộ Nội vụ tổng hợp.
"Việc tổ chức khai mạc ngày bầu cử và kết thúc bỏ phiếu đảm bảo thời gian luật định, các địa phương đôn đốc cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, tránh việc vì thành tích muốn kết thúc nhanh cuộc bỏ phiếu ở địa phương, đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu dễ dẫn đến các sai sót trong bầu cử", Bộ trưởng Nội vụ nhắc nhở.
Nguyễn Hưng
No comments:
Post a Comment