Wednesday, May 11, 2011

Nhiều độc giả đồng tình việc cảnh sát giao thông bỏ vị trí


Thứ tư, 11/5/2011, 15:13 GMT+7



Ngay sau khi VnExpress đăng bài "Cảnh sát rời vị trí, người đi đường chôn chân giữa trời nắng", hàng nghìn độc giả đã gửi bình luận thể hiện bức xúc trước tình trạng thiếu ý thức, không chấp hành hiệu lệnh của người tham gia giao thông.
Cảnh sát rời vị trí, người đi đường chôn chân giữa trời nắng

Độc giả Nguyên bày tỏ: "Tôi ghét nhất cái cảnh người tham gia giao thông thiếu lịch sự, vô văn hoá, không biết nhường nhịn, cứ mạnh ai nấy tiến tới chẳng chịu nghe theo người điều khiển. Khi mình điều khiển mà người ta không chịu nghe thì thà rằng mình đừng điều khiển còn hơn, cứ để đó cho người ta chen lấn nhau rồi kẹt cứng đứng giữa đường. Nếu nhường người khác một phút thì mình có thể đi được sau một phút, còn không nhường thì mình phải mất đến 5 phút mới đi được".

Ủng hộ hành động của cảnh sát, độc giả Cubin cho rằng, cảnh sát giao thông đã hành động đúng. "Hãy cho người dân biết khi không tuân thủ pháp luật thì sẽ xảy ra hậu quả như thế nào. Văn hóa tham gia giao thông của người dân cực kỳ kém, từ người già cho đến thanh niên", độc giả viết.

Ảnh:
Bức xúc trước tình trạng xe cộ chen lấn, không chấp hành hiệu lệnh giữa trưa nắng gắt, cảnh sát giao thông đã bỏ vào bốt ngồi. Và ngay lập tức, ùn tắc xảy ra. Ảnh: Tiến Dũng.

Cho rằng sự thiếu ý thức của người dân là nguyên nhân chính làm cho giao thông tê liệt, độc giả Bùi Hà Phương nhấn mạnh: "Ai cũng muốn tránh cái nắng gay gắt ở ngoài đường, cảnh sát giao thông cũng không phải ngoại lệ bởi họ cũng là con người. Tôi không trách các anh cảnh sát giao thông, chỉ trách ý thức của những người tham gia giao thông".

Còn độc giả Huong Trinh nêu thực trạng: "Mỗi lần chúng ta tham gia giao thông, khi bị ùn, tắc phải đứng chôn chân dưới trời nắng, hay mưa chúng ta đều hỏi: 'Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng đâu?' với tâm trạng bực bội, và thấy sao khổ sở quá... Nhưng, đã có ai tự đặt mình vào vị trí của cảnh sát để thấy rằng, trời mưa to, nắng, nóng, bụi mọi người thì chuyển động, còn họ phải đứng chôn chân nhiều giờ dưới trời nắng, mưa. Có ai hiểu được tâm trạng của họ khi khản cổ thổi còi, len lỏi trong đám người và xe đông đặc mà không hiệu quả, ai cũng cố lấn thêm dù chỉ nửa bánh xe, cố tìm một chỗ để lách, để thoát cho riêng mình?".

"Những ngày lễ, Tết ai cũng cùng gia đình đi chơi, đi nghỉ còn cảnh sát phải gồng mình để đảm bảo cho mọi người được đi đến nơi về đến chốn. Họ cũng có vợ con, gia đình, liệu lúc đó, có ai trong chúng ta đặt câu hỏi về họ? Điều tôi mong muốn nhất đó là chúng ta hãy tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng chính mình và mọi người khi tham gia giao thông. Hãy biết thông cảm hơn cho những người làm nhiệm vụ, vì họ cũng như chúng ta", độc giả này nói thêm.

Ảnh: Tiến Dũng.
Người tham gia giao thông không ai chịu nhường ai, khiến tắc nghẽn thêm trầm trọng. Ảnh: Tiến Dũng.

Bức xúc trước tình trạng thiếu ý thức của nhiều người dân, độc giả Vu Anh nhắc lại câu chuyện "Dê đen và dê trắng" được học từ lớp một và cho rằng, cần dạy lại bài học này để mỗi người đều có thể thấm nhuần ý thức nhường nhịn lẫn nhau.

Đồng quan điểm, độc giả Mr.W cho rằng, cần tập trung tuyên truyền cho người dân về ý thức tham gia giao thông, tránh tình trạng người dân chen nhau lấn sang làn đường ngược chiều rồi cuối cùng là méo mặt đứng nhìn nhau, mất hàng giờ đồng hồ chỉ để lách qua mấy điểm ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, dù không ủng hộ cách làm của cảnh sát nhưng độc giả Phạm Đức Tâm cũng thông cảm và cho hay, ý thức người tham gia giao thông kém quá, có đèn đỏ thì vượt, có CSGT điều khiển thì không tuân theo. "Tôi nghĩ cứ cho người điều khiển phương tiện phơi nắng thêm 40 phút nữa thì họ mới ý thức lên được", độc giả này chia sẻ thêm.

Tương tự, độc giả Thắng hóm hỉnh: "Trời nắng nóng là thời điểm thích hợp để giáo dục văn hóa giao thông cho người dân".

Còn độc giả Thảo Nguyên đề xuất: "Trong tình huống này khó đổ hết trách nhiệm cho anh cảnh sát giao thông, mà chỉ trách dân mình thiếu ý thức quá. Muốn thay đổi ý thức thì cần thời gian rất dài. Có lẽ cần học tập Singapore trong việc xử phạt thật nặng các lỗi vi phạm mới mong cải thiện tình hình đáng buồn này".

Nguyễn L
ê

No comments:

Post a Comment