Monday, November 22, 2010

'Một bộ trưởng không đủ để trả lời về bô xít'


Rất quan tâm đến bô xít Tây Nguyên và đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này nhưng ngày 22/11 đại biểu Dương Trung Quốc không đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng quanh chủ đề này.
Bộ trưởng Tài nguyên: 'Không lo sự cố bùn đỏ'
'Bô xít Tây Nguyên là công trình quan trọng về an ninh quốc gia'

Ông Quốc trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội chiều 22/11.

- Ông đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với các câu hỏi liên quan đến dự án bô xít Tây Nguyên?

- Bô xít là một phức hợp của rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng chúng ta cứ chia lẻ nó ra. Bộ Công thương chỉ quản lý vấn đề kinh doanh, khai thác tài nguyên đó sao cho có lãi thôi. Trong khi đó, nổi trội lên lại là vấn đề môi trường nên ông bộ trưởng không thể trả lời vấn đề đó cho đến nơi đến chốn được.

Vì thế, câu hỏi của anh Lân Dũng thì ông ấy phải gác lại thôi và cái này cũng phải chia sẻ với ông ấy (trong phiên chất vấn buổi sáng, đại biểu Nguyễn Lân Dũng có đặt câu hỏi nhưng Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xin khất trả lời vì vấn đề quá kỹ thuật - pv).

Ngoài ra, bô xít còn liên quan đến một vấn đề được đánh giá là nhạy cảm như an ninh quốc phòng, hoặc các vấn đề khác như xã hội, hoặc giao thông. Tất cả những vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nên ông bộ trưởng cũng không thể trả lời.

Bô xít Tây Nguyên cần một cuộc trao đổi rộng hơn chứ không chỉ là chất vấn Bộ Công Thương. Ảnh minh họa: Song Linh
Bô xít Tây Nguyên cần một cuộc trao đổi rộng hơn chứ không chỉ là chất vấn Bộ Công Thương. Ảnh minh họa: Song Linh

- Liên quan đến vấn đề bô xít, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên chiều nay tiếp tục khẳng định về độ an toàn của dự án. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ làm an lòng người dân về các vấn đề môi trường?

- Tôi thấy câu trả lời không có gì mới so với trước đây. Có lẽ chỉ có quyết tâm là mới chứ không có giải pháp mới. Ở đây, có thể thấy rõ về tỷ lệ ngịch giữa việc tăng mức độ đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế của dự án. Cá nhân tôi nghĩ rằng, lẽ ra câu hỏi về bô xít nên được dành cho Thủ tướng - người điều phối tất cả các lĩnh vực khác nhau để có hiệu quả cuối cùng. Và trên thực tế, vấn đề bô xít cần một cuộc trao đổi có tính rộng hơn chứ không chỉ là chất vấn một bộ trưởng chuyên ngành.

- Với nhiều băn khoăn như vậy và ông đã từng gửi câu hỏi cho Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này, tại sao ông không đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương về vấn đề bô xít Tây Nguyên?

- Tôi có gửi cho Bộ trưởng Công thương một câu nhưng nó đi sâu về vấn đề kỹ thuật của một nhà chuyên môn ở tỉnh tôi làm đại biểu (Đồng Nai). Tôi cũng đã nhận được câu trả lời rất nghiêm túc bằng văn bản từ Bộ trưởng Hoàng và sẽ chuyển cho vị chuyên gia của tỉnh tôi để họ có thể trao đổi rõ hơn.

Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, bô xít Tây Nguyên không chỉ là vấn đề môi trường, hay kinh doanh mà là một phức hợp. Nỗi lo cùa người dân cũng là nỗi lo phức hợp chứ không chỉ riêng về một lĩnh vực cụ thể nào. Ở đây, câu hỏi cần được trả lời là chúng ta có cần phải trả một giá đắt như thế không? Khai thác bô xít Tây Nguyên là một việc bình thường nhưng việc chọn địa điểm phương thức và hướng đầu tư có vấn đề nên người ta mới quan tâm.

- Cá nhân ông nghĩ gì khi dự án này tiếp tục được thực hiện?

- Như cuộc sống bình thường, người ta hay dùng một từ là không bõ. Hiệu quả kinh tế mà dự án này đem lại có bõ với công sức bỏ ra cũng như sự lo lắng của quá nhiều người về rủi ro có thể xảy đến hay không? Bây giờ thì có thể khẳng định về lý thuyết là dự án đảm bảo an toàn nhưng có bằng chứng rõ ràng ở Hungary là đã có sự cố mà họ có trình độ và kinh nghiệm hơn ta.

Tôi tin rằng, khi bắt tay vào làm dự án, họ cũng đã có những tính toán kỹ lưỡng về độ an toàn nên mới thực hiện. Tuy nhiên, cũng như việc chúng ta chứng minh hiện nay là dự án bô xít rất an toàn, có những rủi ro mà chúng ta cũng chưa thể lường hết được trong tương lai.

Ở đây tôi cũng xin nói thêm về vấn đề hiệu quả kinh tế. Nếu đã chứng minh được rằng, nơi chế biến đặt ở Bình Thuận sẽ hiệu quả lớn hơn, độ an toàn cao hơn thì sao không để nhà máy ở đó. Sau đó, nhà nước có thể điều tiết các quyền lợi kinh tế từ Bình Thuận cho Tây Nguyên chứ không cần phải cứ đặt nhà máy ở Tây Nguyên mới có thể phát triển được kinh tế nơi đây.

Hoàng Ly


No comments:

Post a Comment