Thứ Ba, 23.11.2010 | 08:22 (GMT + 7)
(LĐ) - UBND TPHCM vừa phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương hạn chế tối đa các công trình thuỷ điện bậc thang trên đầu nguồn sông Đồng Nai, bởi sẽ gây nguy hiểm cho vùng hạ lưu, đặc biệt là TPHCM - một trung tâm kinh tế - xã hội với hệ thống hạ tầng và dân cư lớn nhất cả nước.
Thuỷ điện sẽ thành... thuỷ hại?
Nghiên cứu của Sở Công Thương TPHCM cho hay, căn cứ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025 thì phía thượng nguồn sông Đồng Nai có gần 20 công trình thuỷ điện lớn - nhỏ. Hiện nhiều công trình thuỷ điện đang hoạt động gồm Đa Nhim - 160MW, Trị An - 400MW... và hàng loạt công trình đang xây dựng hoặc trong giai đoạn lập dự án đầu tư, hoặc điều chỉnh quy hoạch như: Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5..., Đắk Tih - La Ngâu.
Tuy nhiên các công trình thuỷ điện trên sông Đồng Nai đã, đang tác động lớn đến môi trường sống khu vực hạ lưu như TPHCM. Cụ thể, việc phá rừng đầu nguồn để lấy mặt bằng cho công trình cộng với việc tích và xả nước trong quá trình vận hành là nguyên nhân gây lũ lớn trong mùa mưa bão. Vào mùa khô, khi thuỷ điện phải tích nước thì ngược lại sẽ khiến cho vùng hạ lưu thiếu nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Thực tế ở TPHCM, trong mùa khô vừa qua, mực nước sông Đồng Nai đã giảm khoảng 20cm và nước mặn xâm nhập sớm hơn 2 tháng so với các năm trước.
Một công trình thuỷ điện Đồng Nai đang thi công (ảnh minh họa). Ảnh: N.S |
Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước BOO Thủ Đức đã phải ngừng lấy nước khoảng 2 – 6 giờ/ngày vì nước bị xâm nhập mặn.
TPHCM là trung tâm kinh tế tài chính thương mại dịch vụ của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và là nơi tập trong đông dân cư (trên 10 triệu dân), kho tàng, bến bãi, cơ sở hạ tầng..., nhưng lại nằm ở vùng hạ lưu với gần 20 công trình thuỷ điện bậc thang trên đầu nguồn sông Đồng Nai, nếu xảy ra các sự cố ở các nhà máy thuỷ điện đầu nguồn thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Thực tế vừa qua ở miền Trung là cảnh báo nhãn tiền.
Bởi vậy TPHCM kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thuỷ điện bậc thang ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, thay thế bằng các nguồn năng lượng khác như điện nguyên tử, năng lượng mặt trời... nhằm tránh tác động tiêu cực đến an ninh nước.
Hàng loạt tỉnh, thành Đông Nam Bộ cũng nguy
Tại cuộc hội thảo "Các khuyến nghị của Uỷ ban thế giới về đập đối với phát triển thuỷ điện ở lưu vực sông Đồng Nai" tổ chức tại VQG Cát Tiên tháng 4.2010, các nhà khoa học đã cảnh báo mối nguy hại của thuỷ điện đến đời sống sinh hoạt của nhiều tỉnh, thành vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, BRVT.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (GĐ Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho hay, khi hồ chứa nước của đập thuỷ điện phía trên xả thì hồ dưới thấp sẽ phải xả theo kiểu hiệu ứng dây chuyền. Như vậy vùng hạ lưu sông Đồng Nai khó tránh khỏi thảm họa. Trận lũ lịch sử năm 1993-1994 trên sông Đồng Nai đã đẩy mực nước lên cao hàng chục mét, làm cho nhiều địa phương như các xã: Gia Viễn, Quảng Ngãi (Lâm Đồng), Tà Lài, Đắk Lua (Đồng Nai)... bị ngập lụt nặng.
Ngô Sơn
No comments:
Post a Comment