Monday, November 22, 2010

# Thư của Luật sư Trần Vũ Hải gửi Giáo sư đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết


23/11/2010


VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI

Trụ sở: 81 Phố Chùa Láng, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
Tel: 04.37754788 - 37754789
Fax: 04.38352455
Email: hanoilaw@fpt.vn
Chi nhánh: 227 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 08.22103179 – 08.22103180
Fax: 08.38354926
Email: hanoilaw@vnn.vn
TP Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2010
Kính gửi: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi hoan nghênh Giáo sư đã chất vấn Chính phủ về vụ việc Vinashin. Với tư cách cử tri, chúng tôi đề nghị Giáo sư yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan trả lời rõ các vấn đề sau:
  1. Công bố chi tiết về công nợ của Vinashin:
Việc công bố chi tiết, chính xác, có trách nhiệm của Chính phủ là cần thiết vì hiện có nhiều thông tin khác nhau về nợ của Vinashin:
a) Theo báo cáo kiểm toán của Công ty kiểm toán KPMG, Vinashin nợ khoảng 96.000 tỷ đồng (chưa tính hết, vì chưa cập nhật hết thông tin).
b) Theo Bộ Tài chính, Vinashin nợ khoảng 86.000 tỷ đồng.
c) Theo ông Lê Quang Bình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dư nợ của Vinashin lên tới 120.000 tỷ đồng.
d) Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, có nhiều ngân hàng đề nghị Vinashin xác nhận dư nợ nhưng Vinashin không xác nhận. Như vậy có khả năng nhiều khoản nợ đã không được cập nhật đầy đủ.
e) Tháng 7/2010, khi kiểm tra đảng bộ Vinashin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng công bố nợ khoảng 80.000 tỷ đồng.
Chúng tôi đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ công bố chi tiết nợ của Vinashin vào thời điểm 30/6/2010, trong đó cần xác định rõ những dữ liệu sau:
i) Tổng số nợ của Vinashin là bao nhiêu đồng Việt Nam (đối với khoản nợ nội tệ), và bao nhiêu USD (đối với khoản nợ ngoại tệ), quy đổi ra tiền Việt tại thời điểm công bố là bao nhiêu tiền Việt Nam.
ii) Tổng số nợ của Vinashin đối với ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng và nợ trái phiếu là bao nhiêu (sau đây gọi là Nợ Vay).
iii) Trong tổng số Nợ Vay, Chính phủ bảo lãnh hoặc có trách nhiệm trực tiếp bao nhiêu?
iv) Trong tổng số Nợ Vay, có bao nhiêu là nợ nước ngoài?
v) Trong tổng số Nợ Vay, có bao nhiêu đã quá hạn tại thời điểm 30/6/2010, có bao nhiêu đến hạn trước 31/12/2010?
vi) Ngoài khoản Nợ Vay, các khoản nợ khác có giá trị bao nhiêu. Nêu chi tiết các khoản nợ đối với đối tác, khách hàng, người lao động, bảo hiểm xã hội, thuế và các nợ khác?
vii) Ngoài ra, dự kiến nợ phát sinh thêm đến 31/12/2010 là bao nhiêu do phải tính lãi Nợ Vay? (trong điều kiện không khoanh nợ, không làm thủ tục phá sản)
  1. Xác định trách nhiệm quản lý, giám sát khoản Chính phủ cho Vinashin vay 750 triệu USD từ khoản thu được do phát hành trái phiếu Quốc tế năm 2005.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, pháp lý, sự sụp đổ của Vinashin bắt đầu từ việc Chính phủ ưu ái cho Vinashin sử dụng khoản tiền này mà không có quy chế quản lý, giám sát thích hợp. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính công bố các thông tin sau:
a) Khi cho Vinashin vay khoản tiền này, có Hợp đồng ủy thác không? Có ban hành quy chế sử dụng, quản lý, giám sát khoản vay này không? Trong trường hợp có, công bố cho cử tri được biết nội dung những tài liệu này.
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc quản lý và sử dụng khoản vay trên không? Bộ Tài chính phát hiện khoản vay này được sử dụng không đúng phương án ban đầu từ khi nào? Khi phát hiện Vinashin sử dụng sai, Bộ Tài chính có tham mưu tiếp cho Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin phát hành trái phiếu hoặc cho phép Vinashin tiếp tục vay thêm hàng chục ngàn tỷ đồng không?
c) Theo Điều 1 Khoản 7c Quyết định 104/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn (kể cả vốn trái phiếu Chính phủ) của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam; đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam;
Phê duyệt quy chế tài chính Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Rõ ràng, Bộ Tài chính đã không hoàn thành trách nhiệm này. Vậy ai trong số Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trực tiếp?
Theo chúng tôi, người chịu trách nhiệm trực tiếp nếu thiếu trách nhiệm (không thực hiện những công việc trên hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn) cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 285 Bộ luật Hình sự (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Trước mắt đề nghị người này từ chức ngay lập tức. Yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính xin lỗi nhân dân cả nước vì Bộ Tài chính đã không hoàn thành trách nhiệm này.
  1. Trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm trong việc quản lý Tập đoàn Vinashin.
Theo Điều 1 Khoản 7a, Quyết định 104/2006/QĐ-TTg Thủ Tướng Chính phủ quyết định:
- Phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam và ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải và Kế hoạch và Đầu tư;
- Phê duyệt điều lệ, phê duyệt sửa đổi và bổ sung điều lệ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Tổ chức lại, giải thể, đa dạng hoá sở hữu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và ý kiến của các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và thẩm định của Bộ Nội vụ;
- Phê chuẩn bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng với Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và thẩm định của Bộ Nội vụ;
- Thông qua đề án thành lập mới doanh nghiệp do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư 100% vốn điều lệ; việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tiếp nhận thành viên mới;
- Phê duyệt các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, các dự án đầu tư ra ngoài Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Quyết định việc đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đề nghị của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và ý kiến của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải.
a) Điều lệ hoạt động của một doanh nghiệp như một Hiến Pháp đối với doanh nghiệp đó, không có Hiến Pháp loại này, tất yếu doanh nghiệp hoạt động vô Chính phủ. Việc tập đoàn Vinashin không có Điều lệ hoạt động nhưng vẫn hoạt động trong suốt 5 năm thuộc trách nhiệm của Thủ tướng không?
b) Theo Nghị định 199/2004/NĐ-Chính phủ ngày 3/12/2004 của Chính phủ Điều 13 Khoản 2, tiết a Hội đồng quản trị Công ty Nhà nước quyết định dự án đầu tư có giá trị không quá mức cao nhất của dự án nhóm B (600 tỷ đồng). Quá mức này, đại diện chủ sở hữu công ty quyết định.
Đối với trường hợp của Vinashin Thủ tướng là đại diện chủ sở hữu. Chúng tôi nhận thấy hầu hết các dự án lớn của Vinashin đều trên 600 tỷ. Như vậy, Thủ tướng cần phải phê duyệt rất nhiều dự án của Vinashin. Đề nghị Thủ tướng cho biết những dự án nào của Vinashin thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng chưa phê duyệt vẫn được Vinashin thực hiện (ngoài dự án tàu Hoa Sen đã được dư luận biết rõ).
Dự án đầu tư tài chính của Vinashin vào Bảo Việt có trị giá gần 1.500 tỷ đồng có được Thủ tướng phê duyệt không?
Những dự án khác được Thủ tướng phê duyệt là những dự án nào? Phần lớn những dự án này được đầu tư dàn trải và không hiệu quả (do không đủ nguồn vốn, do năng lực hạn chế của Vinashin), có thuộc trách nhiệm trực tiếp của Thủ tướng không?
Những thông tin về việc Vinashin sử dụng vốn từ trái phiếu Quốc tế sai mục đích, đầu tư quá thẩm quyền (ví dụ như tàu Hoa Sen) Thủ tướng có kịp thời biết không? Khi biết rõ Vinashin làm sai, Thủ tướng có tiếp tục cho phép Vinashin huy động thêm hàng chục ngàn tỷ đồng, kể cả Chính phủ bảo lãnh trực tiếp? Thủ tướng có nhận trực tiếp trách nhiệm này không? Nếu không Phó Thủ tướng nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp? Ngay từ tháng 4/2006, ông Hoàng Nghĩa Thức có thư cảnh báo Vinashin sẽ đầu tư trần lan sử dụng lãng phí 750 triệu USD, do các vị trí đóng tàu mới theo dự định không thuận lợi và kinh nghiệm từ những dự án đánh bắt xa bờ thất bại. Những cảnh báo này Thủ tướng có biết không (được biết ông Thức đã gửi đích danh lãnh đạo Chính phủ trong đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
  1. Có thật Vinashin vay, Vinashin trả, không ai trả thay cả? (tức Nhà Nước sẽ không phải trả thay cho Vinashin)
Ông Chủ tịch mới của Tập đoàn Vinashin đã tuyên bố như vậy trong buổi họp báo ngày 19/11/2010.
Nếu quan điểm này của ông Chủ tịch mới của Vinashin đúng, chúng tôi rất hoan nghênh. Như vậy, Nhà nước và nhân dân không cần lo lắng thêm về vì Vinashin, không cần rót vốn thêm cho Vinashin, đơn vị này sẽ tự giải quyết các khó khăn của chính mình.
Đáng tiếc, chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự thật nào phù hợp với quan điểm này. Chúng tôi hiểu sự sụp đổ của Vinashin là do lỗi của lãnh đạo cũ của Vinashin và thiếu sót từ nhiều cơ quan chức năng, việc cứu Vinashin là tất yếu tuy chưa thể khẳng định chúng ta có cứu thành công Vinashin không và giá của cuộc giải cứu này là bao nhiêu. Lẽ ra lãnh đạo mới của Vinashin cần nhận thức rõ điều đó, tránh đưa ra những quan điểm bốc đồng, không phù hợp với thực tế hiện nay. Chúng tôi xin trao đổi một số điểm như sau:
a) Nếu Vinashin vay, Vinashin trả, không cần ai trả thay, tại sao Chính phủ phải rút 6.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển để cấp vốn thêm cho Vinashin. Nguồn vốn từ quỹ này là của các nhà đầu tư mua cổ phần từ doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa và với giá rất cao, phần lớn nhà đầu tư đã lỗ (ví dụ: tôi mua 100 cổ phần của Vietcombank đầu năm 2008 với giá 10.200.000 đồng, chênh lệch 9.200.000 đồng, Nhà nước thu về cho Qũy này. Nay 100 cổ phần này chỉ còn giá 3.100.000 đồng, tôi lỗ 7.100.000 đồng)
b) Nếu Vinashin vay, Vinashin trả, không cần ai trả thay, tại sao Tập đoàn dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) phải gánh chịu một phần nợ?
Ngày 4/8/2010, ông Tổng giám đốc Vinalines cho báo chí biết, Vinalines nhận nợ thay 14.200 tỷ đồng (cùng với việc nhận 36 tàu của Vinashin, trong đó 2/3 là quá cũ, trục trặc kỹ thuật, trong đó có con tàu Hoa Sen nổi tiếng). Vì sự tiếp nhận này một năm Vinalines có thể giảm 700 tỷ đồng lợi nhuận (tức giảm 60% lợi nhuận). Vậy Vinashin có trả cho Vinalines khoản lợi nhuận bị giảm? (kèm theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm).
PVN nhận nợ thay cho Vinashin khoảng 6.000 tỷ đồng (theo thông báo mới đây, khoản nợ thay này có thể lên tới 10.000 tỷ đồng). Nếu PVN không nhận thay cho Vinashin, PVN không đến nỗi phải khó khăn xin Quốc hội 3.500 tỷ đồng cấp vốn. Ai trả 3.500 tỷ đồng này để PVN nhận nợ thay cho Vinashin.
c) Nếu Vinashin vay, Vinashin trả, không cần ai trả thay, vậy Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải không cần yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan gia hạn thuế đến hết 2012. Nếu Vinashin không nộp thuế, Ngân sách thiếu hụt ai bù đắp? Vinashin không bị phạt thuế nộp chậm, Ngân sách mất đi một khoản phải thu theo luật ai bù đắp?
d) Nếu Vinashin vay, Vinashin trả, không cần ai trả thay, tại sao Chính phủ yêu cầu các ngân hàng trong nước khoanh nợ đối với Vinashin? Khoản vốn thiếu hụt ai bù đắp? Phải chăng để bù đắp, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, và các doanh nghiệp khác phải tăng chi trả vì lãi suất vay cao? Vinashin được khoanh nợ, có nghĩa không phải trả lãi, trong khi các doanh nghiệp để bù đắp cho ngân hàng phải tăng chi phí tài chính.
e) Nếu Vinashin vay, Vinashin trả, không cần ai trả thay, vậy tại sao Chính phủ phải chỉ đạo Vinalines nhận tàu của Vinashin do khách hàng không mua, trong khi ngành hàng hải Quốc tế đang khó khăn và lãi vay ngân hàng ngày càng tăng cao.
Việc Vinashin trên vực phá sản (và thực chất đã phá sản) là đã rõ, Nhà nước và nhân dân phải gánh chịu là đã rõ. Mức độ thiệt hại này thực ra chưa tính hết, ảnh hưởng của sự đổ vỡ Vinashin đến hệ thống tài chính ngân hàng chưa được đánh giá thấu đáo, gánh nặng của các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng do nguồn vốn hạn hẹp ưu tiên giải quyết vấn đề của Vinashin, uy tín của Việt Nam bị đánh tụt khiến lãi suất huy động Quốc tế trong thời gian tới sẽ tăng, nguồn lực của nhà nước và nhân dân bỏ ra để giải cứu Vinashin dẫn đến coi nhẹ những vấn đề thiết yếu khác.
Chúng tôi không loại trừ, nếu không có giám sát chặt chẽ, sẽ có hình thức bán đất của Vinashin để giảm bớt nợ nần, một hình thức chiếm dụng giá trị tài sản công để trả giá cho những yếu kém của một số cá nhân, cơ quan chức năng.
Chúng tôi lo lắng nếu trách nhiệm của những nhà lãnh đạo không được truy cứu nghiêm túc, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều Vinashin hơn.
Chúng tôi hy vọng Giáo sư cùng nhiều đại biểu Quốc hội khác lên tiếng, chất vấn quyết liệt để làm rõ trách nhiệm của họ, để cảnh báo nghiêm túc họ, và những cơ quan chức năng không được phép thiếu trách nhiệm, né tránh trách nhiệm trong những vấn đề quan trọng của đất nước.
Xin cảm ơn Giáo sư.
Luật sư Trần Vũ Hải
Lưu ý: Giáo sư tham khảo trường hợp cơ cấu lại của General Motor (GM). Đây là trường hợp hồi sinh từ phá sản, với các bước chính như sau:
a) Chính phủ Mỹ cho GM vay khẩn cấp.
b) Chính phủ Mỹ cho hạn 90 ngày để GM thương thuyết các chủ nợ, nếu không sẽ để phá sản.
c) Các chủ nợ không chấp nhận điều kiện của GM.
d) GM đệ đơn phá sản ngày 1/6/2009.
e) Những lĩnh vực cốt lõi của GM được giữ lại thành GM mới, với Cổ đông chính là Chính phủ Mỹ.
g) Các bộ phận khác của GM được bán.
h) Khi phá sản, GM không phải trả nợ (đặc biệt lãi suất nợ vay), chủ nợ chỉ được chia phần từ doanh thu bán các bộ phận được bán và một phần tiền của Chính phủ.
i) GM mới có Ban lãnh đạo mới, từng bước phát triển lại, trả nợ dần cho Chính phủ.
k) GM phát hành Cổ phần GM mới ra công chúng. Đích thân Tổng Thống Obama quảng bá sản phẩm mới của GM tại thị trường Châu Âu.
    Lẽ ra, Chính phủ Việt Nam có thể học được một phần từ bài học cơ cấu lại GM. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam đã cơ cấu Vinashin bằng cách chuyển nợ cho PVN và Vinalines (tháng 7/2010, tuyên bố chuyển nợ 20.000 tỷ, nay thông báo chuyển nợ 24.000 tỷ), làm PVN và Vinalines suy yếu đi, và buộc phải chấp nhận những đòi hỏi của hai đơn vị này (như cấp vốn thêm, ưu đãi về vay thương mại, khoanh nợ,...) và bơm vốn cho Vinashin còn lại. Vinashin còn lại được bặt đèn xanh bán cơ sở sản xuất, thực chất là bán đất. Để đánh giá phương thức cơ cấu này, cần có nhóm chuyên gia, tôi sẵn sàng tham gia.
Bài được tác giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment