Thursday, November 18, 2010

Đừng để người tố cáo "không sống được"!


18/11/2010 17:44:48

- "Hầu hết những người tố cáo rất thiệt thòi", nhưng "không có cách nào bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ", áp dụng biện pháp bảo vệ như "đánh đố"…, ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật tố cáo tại phiên thảo luận sáng 18/11.

ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) bày tỏ sự cảm thông: "Tôi thấy hầu hết những người tố cáo rất thiệt thòi. Đã tố cáo là phải chấp nhận, chỉ có điều ta nên có cơ chế bù đắp lại thiệt thòi cho họ".

Dẫn chứng ở Bình Định, ĐB Dũng cho biết: Cách đây 2 năm xảy ra một việc, người tố cáo sau khi tố cáo xong thì không sống được, cứ 12 giờ đêm có người ném phân ném vào nhà, cuối cùng phải bỏ  nhà đi. Khi bỏ đi người ta tới dỡ nhà, dân khóc báo công an, công an cũng chịu vì không biết ai dỡ. Bàn bù đắp thiệt thòi cho người ta thì các cơ quan nói không có luật nào quy định.

Thực trạng như vậy nhưng theo ĐB này, quy định bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật rất chung chung là "áp dụng các biện pháp cần thiết"…
 

Hầu hết đại biểu tố cáo
Đại biểu QH: "Hầu hết những người tố cáo rất thiệt thòi". Ảnh: TTXVN


Về vấn đề này, ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) kiến nghị: Cần quy định rõ nguồn kinh phí bảo vệ người tố cáo, việc bồi thường khi người tố cáo bị thiệt hại, quỹ bảo vệ người tố cáo và chính sách động viên, khen thưởng đối với người tố cáo khi tố cáo đúng sự thật và có trách nhiệm…

ĐB Hưng cũng cho rằng, dự luật quy định "trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo" là bất khả thi. Vì, theo ông, cơ quan, tổ chức là một tập thể với nhiều bộ phận khác nhau. Việc tố cáo phải qua các khâu tiếp nhận đơn, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý…

"Thực tế không có cách nào bảo vệ bí mật cho người tố cáo. Không biết các địa phương khác làm sao chứ ở Bình Định không có trường hợp nào bảo vệ được", ĐB Hồ Quốc Dũng chia sẻ.

Liên quan đến quy định, "người tố cáo đề nghị, rồi phải xem xét có chính đáng hay không thì mới áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ", ĐB Lê Văn Hưng nhận xét: "Quy định như vậy vừa gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan nhà nước, vừa đánh đố người tố cáo...."

Để ngăn ngừa hành vi trả thù người tố cáo, ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đề nghị làm rõ, biện pháp trừng trị người trả thù người tố cáo là như thế nào? "Bây giờ ở cơ quan, đơn vị, lính mà tố cáo Thủ trưởng, xin thưa trước khi viết đơn tố cáo anh nên "khăn gói" về nhà chắc ăn hơn, vì trước sau cũng bị như vậy", ông Kiệt nói thẳng.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền "trấn an" đại biểu, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo như thế nào, ai chịu trách nhiệm, bảo vệ trong những trường hợp nào. Nếu đưa vào luật, sẽ không thể quy định hết các chi tiết.

Thông Chí


No comments:

Post a Comment