Thursday, December 16, 2010

Bất lực trong kiểm nghiệm thực phẩm

 
 
17/12/2010 0:15 
Một khâu trong kiểm nghiệm thực phẩm tại Viện Vệ sinh y tế công cộng, TP.HCM - ảnh: Thanh Tùng 

Trong khi tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn nhức nhối thì năng lực kiểm nghiệm thực phẩm, hệ thống cảnh báo nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong nước lại đang rất thiếu và yếu.

TP.HCM hiện có các trung tâm kiểm nghiệm (trong đó có kiểm nghiệm về thực phẩm) được xem là lớn nhất nước như Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ); Viện Vệ sinh y tế công cộng (thuộc Bộ Y tế); Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm… nhưng theo các chuyên gia, khi người dân muốn kiểm tra một loại thực phẩm họ thường dùng xem có chất độc hại gì không thì các phòng kiểm nghiệm "bó tay", mà người đến kiểm nghiệm phải khu trú, chỉ định trước là kiểm nghiệm chất gì, độc tố gì thì các trung tâm mới làm được.

Thiếu chuyên sâu

PGS.TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách khoa TP.HCM), nói: "Chúng tôi đã đề xuất với Hội Hóa học TP và các cơ quan chức năng khác về việc đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm chuyên kiểm tra về phụ gia, hóa chất, hương liệu… trong thực phẩm - từ cá, thịt, đến những loại thực phẩm khác, đặt tại TP.HCM. Tuy nhiên, khó khăn là về mặt kinh phí đầu tư cho việc này rất lớn".

Thiếu các quy chuẩn, thiếu chủ động trong giám sát dẫn đến hạn chế trong cảnh báo nguy cơ

Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Công Khẩn

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, lại chỉ ra cái thiếu về nguồn nhân lực: "Năng lực kiểm nghiệm thực phẩm không chỉ dựa vào máy móc, thiết bị, mà quan trọng cần con người có chuyên môn sâu. Lâu nay chúng ta chưa có đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, một mẫu thực phẩm đem về không đơn giản lấy một miếng cho vào máy là xong, mà cần có con người chuyên môn chuẩn bị mẫu trước khi đưa vào máy đọc".

Tương tự, một kỹ sư hóa tại TP.HCM cũng cho rằng: "Khâu kiểm nghiệm thực phẩm của chúng ta còn yếu về con người, thiếu nhân lực chuyên môn. Do vậy, phần lớn các vụ việc liên quan đến thực phẩm như phát hiện chất độc, chất ung thư… trong thực phẩm, khi báo chí đăng tải thì cơ quan quản lý mới tập trung nhân lực làm theo kiểu chạy theo thời vụ, qua đợt rồi lại thôi. Hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, thường mỗi năm có vài trăm loại hóa chất, phụ gia, phẩm màu… mới ra đời. Nhà sản xuất dùng hóa chất, phụ gia pha chế cho ra các sản phẩm thực phẩm của họ. Do vậy, đặt ra vấn đề cần có đội ngũ chuyên môn, có năng lực về kiểm nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm. Nhưng phía y tế hiện rất thiếu nhân lực chuyên môn này".

Chưa có hệ thống cảnh báo

Sữa nhiễm độc chất melamine từng dấy lên sự lo ngại về năng lực kiểm nghiệm thực phẩm - ảnh: Thanh Tùng

Tại Hội nghị Khoa học về kiểm nghiệm ATVSTP hôm 16.12, do Cục ATVSTP tổ chức, các hạn chế về năng lực xét nghiệm và cảnh báo nguy cơ về ATVSTP được các đại biểu đề cập. "Chúng ta vẫn còn thụ động trước việc phát hiện các sự cố về ATVSTP và mới ở mức sơ khai trong việc tham gia hệ thống cảnh báo ATVSTP quốc tế. Hiện nay chủ yếu dừng ở mức nhận thông tin mặc dù có tiến bộ là đã cập nhật thông tin sớm nhất có thể", Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Công Khẩn nhìn nhận.

Theo ông Khẩn, trong nước còn hạn chế việc chủ động đánh giá nguy cơ, cần đưa ra được các cảnh báo sản phẩm nào, vào giai đoạn nào, đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ví dụ như bánh giò là món ăn phổ biến, nguy cơ xảy ra sự cố về ATVSTP cũng khá cao do chủ yếu sản xuất tại cơ sở nhỏ lẻ. Thế nhưng, chưa có tiêu chuẩn an toàn riêng cho sản phẩm này ở trong nước và như vậy càng chưa có trong danh mục của CODEX. Hay rượu lá chuối, rượu ngâm động vật của chúng ta cứ bảo uống ngon nhưng quy chuẩn an toàn cho loại sản phẩm này lại chưa có. "Thiếu các quy chuẩn, thiếu chủ động trong giám sát dẫn đến hạn chế trong cảnh báo nguy cơ", ông Khẩn nói.

Cũng do năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế mà thực tế từng xảy ra việc cùng một sản phẩm đem xét nghiệm ở các trung tâm khác nhau thì cho kết quả khác nhau, dẫn đến khiếu nại của đơn vị bị cho là vi phạm. "Chúng ta sẽ phải đầu tư phòng thí nghiệm tập trung thay vì đầu tư dàn trải, ưu tiên cho những nơi có vấn đề về thực phẩm biên giới, nơi đông dân cư...  Phấn đấu trong năm 2011, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, dự án triển khai hệ thống cảnh báo nhanh và đánh giá nguy cơ chủ động với nhóm các mặt hàng nguy cơ cao", ông Khẩn nhấn mạnh về giải pháp.

Ngoài ra, để chủ động trong giám sát ATVSTP, ông Khẩn đề nghị các địa phương thường xuyên tiến hành lấy mẫu với một số mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, xác định các thành phần gây mất an toàn. Các chỉ số (hàm lượng, tần suất, loại chất gây độc xuất hiện...) được lưu lại sẽ giúp cơ quan quản lý có thể đánh giá mức độ nguy cơ về ATTP là chất nào, loại sản phẩm nào, đối tượng nào dễ bị ảnh hưởng, từ đó có thể chủ động ngăn ngừa…

Chưa tự giác kiểm soát năng lực xét nghiệm 

TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, cho rằng để đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, cần phải có hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ và đánh giá bên ngoài. Một trong các hình thức của kiểm soát chất lượng từ bên ngoài là các chương trình thử nghiệm thành thạo (TNTT)/so sánh liên phòng thông qua việc các phòng thí nghiệm cần tham gia phân tích các mẫu giống nhau. Qua các kết quả xét nghiệm sẽ đánh giá năng lực của các phòng xét nghiệm tham gia. "Không làm TNTT/so sánh liên phòng thì sẽ không đảm bảo được độ tin cậy cho các kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều phòng xét nghiệm chưa chú trọng việc này bởi thực hiện khó, tốn kém và đặc biệt là dễ lộ sai sót, chứng tỏ năng lực xét nghiệm còn hạn chế", ông Đà nói. 

Cùng quan điểm này, tác giả Lương Thanh Uyên (Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng 3) cho rằng TNTT là nội dung quan trọng và cần thiết để đảm bảo chất lượng thí nghiệm của các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Việt Nam các phòng thí nghiệm vẫn chưa thực sự chủ động tham gia hoặc chỉ tham gia thử nghiệm này một cách hình thức. 

Nhiều vụ ngộ độc 

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 128 vụ ngộ độc thực phẩm ở nhiều tỉnh, thành phố, với 4.660 người mắc, 3.266 người nhập viện và 40 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Chẳng hạn, trong số 17 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vào tháng 5-6 tại các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Gia Lai, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị, Bạc Liêu, Bình Thuận, TP.HCM với 1.079 người mắc (1.005 người phải nhập viện và 4 trường hợp tử vong) có đến 9 vụ qua xét nghiệm chư a xác định được nguyên nhân.

Liên Châu

Liên Châu - Thanh Tùng


No comments:

Post a Comment