Thursday, December 16, 2010

“Xơi tái” chim trời ngay trong sân chim


 
14/12/2010 0:11 
Thịt chim trời trên bàn nhậu 

Du khách đến tham quan sân chim Gáo Giồng không khỏi bị sốc khi tận mắt chứng kiến thực đơn phục vụ ăn uống tại đây có rất nhiều món được chế biến từ chim trời.

Sân chim Gáo Giồng thuộc khu du lịch sinh thái Gáo Giồng tọa lạc tại ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Sân chim rộng 36 ha với 15 loại chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, cò, cồng cộc, le le, vịt trời, diệc, điên điển... Riêng cò trắng chiếm số đông với hàng chục nghìn con nên sân chim này được xem là vườn cò lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười.

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi tháp tùng đoàn du khách vào Gáo Giồng ngắm chim. Trong khu vực dành riêng ngắm chim trời xây cao 18m, du khách mê say trước hàng vạn chim trời chao cánh, kêu inh ỏi. Sau khi mãn nhãn với vũ điệu chim trời, đoàn trở về khu ẩm thực trong khuôn viên và thực sự sốc khi nhìn thực đơn có hàng loạt món ăn được chế biến từ chim, cò như: nướng, rô ti, khìa, chiên nước mắm, xào mướp, hấp gừng, cháo…

Một du khách tên H. đi đơn lẻ gọi món cò xào mướp, không lâu sau món ăn được mang lên. Lúc tính tiền, anh H. chỉ vào đĩa thịt cò và nói với nhân viên rằng con cò này lớn quá ăn một mình không hết nên xin cái bọc đem về. Chúng tôi cầm thực đơn anh H. vừa thanh toán, giá thịt con cò 40.000 đồng. Vài phút sau, có thêm nhóm du khách 6 người tới, gọi 2 con cò xào lăn.

Một nhân viên tên T. cho biết khẩu phần 10 người ăn thì phải 3 con cò mới đủ. Chị T. còn nhiệt tình tư vấn nên ăn cò xào mướp vì món này ngon hơn so với món cò khìa hoặc chiên nước mắm. Khi chúng tôi phân vân liệu đây là chim còn sống hay chết trước khi được chế biến, chị T. liền quả quyết: "Chim cò sống nhăn, ở đây không bán cho khách chim cò chết hay bị ngộ độc".

Một đĩa thịt cò gồm 3 con có giá 95.000 đồng. Chị M. đi chung đoàn chúng tôi lắc đầu: "Kinh khủng quá, vừa ngắm chim trời bay lượn trên không xong giờ vào ăn thịt chúng. Tại sao sân chim do Nhà nước quản lý lại xảy ra chuyện tệ hại này?".

Rời Gáo Giồng, chúng tôi mua đĩa phim Nét đẹp Gáo Giồng giá 20.000 đồng và thực sự xúc động trước hình ảnh hoang dã tự nhiên của sân chim Gáo Giồng được ghi trong đĩa. Thầm nghĩ, chính lũ chim đã tô điểm cho khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, tạo nét hấp dẫn riêng biệt say mê lòng người nhưng không hiểu sao người ta lại bạc đãi chúng!

Theo thống kê của đơn vị quản lý là Công ty TNHH dịch vụ du lịch Gáo Giồng, năm 2009 có trên 32 ngàn lượt khách đến tham quan, 10 tháng đầu năm 2010 có 33 ngàn lượt khách. Tính theo ngần ấy thời gian đã có bao nhiêu chim trời bị tiêu diệt? Liệu có cần thiết phải hạ sát chim trời để làm món ăn lạ miệng phục vụ du khách hay không trong khi khu du lịch sinh thái Gáo Giồng vốn không thiếu những món ăn dân dã Nam Bộ?

Không nên! 

Ông Võ Văn Lô, PGĐ Công ty TNHH dịch vụ du lịch sinh thái Gáo Giồng: "Do khách du lịch thích nhậu thịt chim, cò nên khu du lịch làm để đáp ứng". Ông Lô giải thích số chim, cò đó khu du lịch mua lại bên ngoài của người dân, có khi khu du lịch đặt hàng trước rồi ra mua gom. Trả lời câu hỏi việc khu bảo tồn chim lại mua chim, cò về làm thịt liệu có phản cảm, ông Lô cho rằng khi làm chim bán cho du khách nhân viên đều giải thích rõ đây là chim, cò mua từ bên ngoài, không phải bắt ở trong khu bảo tồn chim. 

Về câu hỏi chim, cò người dân bắt từ đâu và liệu việc nhân viên sân chim đi mua chim, cò có vô tình khuyến khích người dân bẫy, bắt chim, ông Lô trả lời: "Không biết người dân bắt chim từ đâu. Chim, cò trong khu bảo tồn ban quản lý ngăn cấm người dân săn bắt nhưng nếu chim cò bay ra ngoài thì vô phương quản lý". (Thanh Dũng) 

Bà Nguyễn Phương Dung - PGĐ TT Giáo dục thiên nhiên Việt Nam: Nếu các loài chim bị giết thịt và bày bán ở đây nằm trong danh mục được pháp luật bảo vệ, sân chim Gáo Giồng đã tiếp tay cho hoạt động săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Thứ hai, tôn chỉ mục đích của các sân chim, trong đó có sân chim Gáo Giồng là thông qua hoạt động tham quan của du khách để giáo dục, bồi đắp lòng yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ các loài chim. Đáng ra, với chức năng và nhiệm vụ của mình, theo tôi, sân chim Gáo Giồng cần thông qua hoạt động để khẳng định với người dân rằng: các loài chim cần được bảo vệ và thực tế ở sân chim này, chúng đang được bảo vệ chu đáo, được an toàn. Việc làm của sân chim Gáo Giồng rất thiếu tính giáo dục, vô tình khuyến khích việc săn bắn, mua bán chim trời. Vừa làm công tác bảo tồn chim trời, vừa bán thịt chim trời, tôi cho là không nên một chút nào. 

Bà Phạm Tuấn Anh - GĐ Chương trình Birdlife Việt Nam: Tôi nghĩ mua chim do người dân săn bắt bên ngoài hay bắt chim trong vườn sinh thái để chế biến đồ ăn bán cho du khách cũng thế thôi. Vườn chim mở cửa đón du khách tham quan, vừa kết hợp làm ăn kinh tế nhưng vẫn phải góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên cho mọi người. Việc làm kia rất phản tác dụng, không chỉ đi ngược lại mục đích tốt đẹp nêu trên mà còn tạo ra áp lực đối với chính đàn chim trong vườn. Nếu khu vườn chim này cứ thu mua chim của người dân thì chẳng khác nào khuyến khích họ tăng cường bẫy bắt chim trời. Đây là việc làm hại đơn, hại kép, lãnh đạo vườn chim nên nghiêm túc xem xét lại.

Quang Duẩn (ghi)

Ngọc Nhung


No comments:

Post a Comment