Thursday, April 7, 2011

Cố TBT Lê Duẩn và những trăn trở cuối đời


07/04/2011 11:21:09
"Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới" - trao đổi đầu tiên của GS Trần Phương về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. 

TIN LIÊN QUAN

LTS: Nhân kỷ niệm 104 năm ngày sinh của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 – 7/4/2011), Bee xin đăng lại bài viết của nhà báo Lương thị Bích Ngọc.


 … Có lẽ đây là lần đầu tiên, Giáo sư kinh tế Trần Phương bộc bạch tâm sự về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người mà ông có hai mươi năm gần gũi và rất mực khâm phục, kính trọng. Giữa những người có tư duy đổi mới kinh tế từ rất sớm thì ông là một trong số ít người có đủ bản lĩnh, thẳng thắn và hiểu biết để trao đổi, tranh luận với TBT Lê Duẩn về những vấn đề kinh tế nổi cộm của đất nước lúc đó. GS Trần Phương cũng là người mà chúng tôi  tìm đến gần đây nhất trong lộ trình tìm hiểu về những "Điều chưa biết rõ" về "anh Ba Duẩn".  

Cố TBT Lê Duẩn thăm NM Dệt 8/3, HN, 7/1971. (Ảnh tư liệu)
Cố TBT Lê Duẩn thăm NM Dệt 8/3, HN, 7/1971. (Ảnh tư liệu)

"Hãy đọc bài viết này" 


…Con đường dẫn Trần Phương đến gần Lê Duẩn lại bắt đầu từ bản tính "nói thẳng  điều mình nghĩ" dù đó là điều đi ngược lại với suy nghĩ của đám đông. Ông kể… 

Đầu năm 1965, Liên Xô công bố bản báo cáo về cải cách kinh tế của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cốt-sư- ghin. 

Trong giới cán bộ cao cấp của Đảng ta, nhiều người đã nghi ngờ báo cáo này thể hiện tư tưởng xét lại. Lý do chính yếu khiến người ta phản bác là vì chủ trương giao quyền tự chủ cao hơn cho các xí nghiệp (tư tưởng của Việt Nam lúc đó vẫn đề cao tính kế hoạch hoá tập trung); thứ hai là tăng cường kích thích bằng lợi ích vật chất đối với người lao động (trong lúc tư tưởng của chúng ta vẫn cho rằng yếu tố tinh thần cách mạng mới là động lực của chủ nghĩa xã hội). 

Trước những ý kiến phê phán gay gắt, anh Ba chỉ im lặng. 

Sau đó, anh triệu tập cuộc trao đổi về báo cáo này tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân với sự tham gia của một số trí thức cao cấp. Hầu như mọi người đều lên án khuynh hướng xét lại. Tôi là người phát biểu cuối cùng. Thật sự, tôi rất lo khi phải nói rõ quan điểm của mình: Liên Xô đến lúc này không còn thích hợp với mô hình quản lý tập trung nữa. Một đất nước có đến 4 vạn xí nghiệp lớn và 4 vạn công trường xây dựng lớn thì không thể quản lý theo kiểu kế hoạch hoá tập trung. Phân cấp và phân quyền nên xem là một tất yếu lịch sử.
Và kết luận của anh Ba ngay sau đó đã khiến tôi giật mình: "Những căn cứ mà anh Trần Phương đưa ra là có sức thuyết phục".
 
Từ đó anh Ba chọn tôi làm người "giúp việc" và thường xuyên trao đổi với tôi những ý tưởng quan trọng về kinh tế.  

Cuối năm 1965 và đầu năm 1966, tôi công bố một công trình nghiên cứu dưới nhan đề "bàn về bước đi của công nghiệp hóa" đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Trước một hội nghị gồm 200 cán bộ cao cấp, tôi giật mình khi anh Ba mở đầu bằng cách giơ cao tờ tạp chí và nói: "Các anh đã đọc bài này của anh Trần Phương chưa? Nên đọc". 

Hôm sau, Anh cho gọi tôi lên văn phòng. Cuộc trao đổi kéo dài suốt từ sáng đến chiều.
 
Anh chất vấn tôi về mọi chi tiết của bài báo, yêu cầu tôi giải trình về mọi tư tưởng của Mác mà tôi dẫn ra trong bài. Luận điểm của tôi, nói một cách vắn tắt là: nếu 5 - 7 năm nữa mà ta đánh thắng Mỹ thì ta phải bắt đầu bằng việc phát triển nông nghiệp mới có lực để công nghiệp hóa.

Bây giờ nghe thì chẳng có gì mới mẻ cả nhưng ở thời điểm đó nếu nói lấy nông nghiệp làm then chốt để công nghiệp hóa là đi ngược với xu hướng lấy công nghiệp nặng làm then chốt để công nghiệp hóa. 

Sau một ngày tranh luận, tôi tưởng chừng như đã thuyết phục được anh. Nhưng cuối cùng, Anh hỏi: nếu dựa vào nội lực thì lập luận như anh là đúng. Nhưng nếu ta kiếm được nguồn vốn nước ngoài thì sao?

Tôi ngớ người ra: "Thưa anh, nếu có được nguồn vốn nước ngoài thì cách đặt vấn đề phải khác. Nhưng hiện tôi chưa nhìn thấy nguồn nào cả"…

Tôi không ngờ sau năm 1975, trong chuyến đi làm việc với các nước XHCN, Anh Ba Duẩn đã được các nước anh em hứa cho vay 4 tỷ rúp, một con số quá lớn so với giấc mơ của chúng ta.

Với tầm nhìn xa trông rộng của mình, Anh đã tính hết cả. Lúc đó, tôi mới hiểu tại sao Anh đã dành cả ngày để tìm hiểu cặn kẽ kiến nghị của tôi.

Với Lâm Ngọc Thiềm, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) 1972. (Ảnh tư liệu)
Với Lâm Ngọc Thiềm, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) 1972. (Ảnh tư liệu)

Những bước đi đầu tiên theo hướng "cơ chế thị trường" 

 
Có ý kiến cho rằng: Cuộc khủng hoảng của đất nước kéo dài cả mười năm, ông Lê Duẩn có biết không? Và ông có trách nhiệm đến đâu?

Trả lời câu hỏi này thì phải lật lại cả một thời kỳ lịch sử rất dài. Tôi chỉ xin điểm qua một số sự kiện.

Không những anh Ba biết tất cả, biết rất rõ mà còn tìm nhiều cách để thoát ra.

"… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã được nghe anh Ba phát biểu về một số vấn đề kinh tế rất gần so với những chính sách trong Đổi Mới. Anh nói tới sự cần thiết phải duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp như miền Bắc, coi trọng vai trò của trung nông. Trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam,  tôi cũng không thấy anh thúc giục mà rất quan tâm đến đời sống của những người làm ăn buôn bán nhỏ…"

"… Phải chăng điều đáng tiếc là khi đó không có cơ quan hay nhà khoa học, chuyên gia kinh tế  tổ chức nghiên cứu đào sâu những ý kiến của anh Ba"

"… Tuy nhiên, tôi tự nhủ rằng: Đặt vào thời điểm lúc bấy giờ thì cũng khó đòi hỏi gì ở anh Ba hay nhiều đồng chí chủ chốt khác".

  Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt

Giữa năm 1976, trong một kỳ làm việc ở Đồ Sơn, Anh bảo tôi: "Tôi muốn anh chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Tình hình rối lắm". Lúc đó, tôi đang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế và thường giúp việc Anh với tư cách một nhà lý luận kinh tế.

Vì nhu cầu công tác, tôi được điều đi nhiều cơ quan, trước khi được cử vào chức vụ theo ý định của Anh. Nói ra điều này chỉ để chứng minh rằng anh Ba nắm rất rõ tình hình của ngành nội thương mà anh đánh giá là "rối lắm". Tôi hiểu anh rất "bí" nên mới phải tính đến chuyện dùng một "nhà lý luận" như tôi vào chân "nội trợ" của xã hội.

Năm 1980, Anh đã gặp được đồng chí Brêgiơnhep, Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô, đề nghị cử một đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam gỡ "bí". Đoàn bao gồm trên hai mươi người, đều là chuyên gia cap cấp của nhiều Bộ, do đồng chí Pascaxi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của nước CH Mônđavi, một nước nổi tiếng là đi đầu trong phong trào cải cách kinh tế ở Liên Xô lúc bấy giờ, làm trưởng đoàn. Họ đã làm việc hơn nửa năm ở Việt Nam.

Song, kết luận cuối cùng của Đoàn cũng không vượt ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa tập trung của thời đại đó. Việc thực hiện kiến nghị của đoàn không đem lại kết quả tích cực nào cả. Hồi đó, với tư cách là Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thường trực của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi được cử làm trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam để cùng làm việc với đoàn chuyên gia Liên Xô.

Mấy tháng sau, tôi được chuyển sang Bộ Nội thương, làm bộ trưởng. Là người đã chứng kiến sự thất bại của cơ chế kế hoạch hóa tập trung do những đầu óc sáng láng nhất của Liên Xô đề ra, tôi kết luận là phải đi tìm một phương hướng khác: cơ chế thị trường. Tôi trình anh Ba và Bộ Chính trị một kiến nghị gọi là "Kiến nghị về cải tiến quản lý thương nghiệp". Lập luận của tôi như sau: Với cơ chế "mua như cướp, bán như cho" thì ngành nội thương giống như một chiến sĩ ra trận mà chân tay bị trói, mọi vũ khí đều do các Bộ khác nắm giữ.

Tôi đề nghị cho phép ngành nội thương mua - bán theo giá thị trường. Bãi bỏ chế độ cung cấp theo tem phiếu, bãi bỏ đến đâu thì bù tiền vào lương cho cán bộ nhân viên đến đó để duy trì mức sống của họ như cũ. Chỉ một kiến nghị đơn giản như thế thôi, vậy mà nó đã dấy lên một trận bão táp dữ dội. Bộ Chính trị triệu tập các Bộ trưởng đến họp suốt cả một ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước thì nói: làm như thế này thì Nhà nước sẽ mất quyền phân phối.

Bộ trưởng Tài chính thì nói: ngân sách Nhà nước sẽ rối loạn.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thì nói: ngân hàng không đủ sức in tiền ra để đáp ứng lạm phát.

Anh Ba chủ trì hội nghị, vẻ mặt rất căng thẳng. Anh chỉ đặt câu hỏi mà không bình luận. Cuối hội nghị, anh kết luận: "Quy luật giá trị thì ta phải tôn trọng. Không thể hành động bất chấp quy luật khách quan. Đó là khoa học. Nhưng kế hoạch hóa thì cũng là quy luật của chủ nghĩa xã hội, cũng là khoa học. Chỉ nên giữ một số mặt hàng thiết yếu mua và bán theo giá cung cấp, còn lại thì cho phép thành lập ngành nội thương, mua và bán theo giá thị trường".

Tôi nghe những lời kết luận của Anh mà vừa buồn vừa vui. Buồn vì Anh đã phải đi đến một giải pháp "thỏa hiệp" không triệt để. Vui vì dẫu sao cũng đã chọc được một lỗ thủng xuyên qua bức tường bê tông "bao cấp". Tôi không trách anh mà thông cảm với Anh. Anh không thể gạt bỏ tất cả các "bộ tham mưu" của Anh. Anh cũng không thể một lúc dứt bỏ hệ thống tư duy của một thời đại mà chính Anh cũng là một tác giả. 

Phải đợi 10 năm sau nữa, khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đỏ thì hệ thống tư duy này mới mất hẳn sức hấp dẫn của nó,  nhường bước cho một hệ thống tư duy xã hội chủ nghĩa phù hợp hơn với thực tế lịch sử.

Cũng cần nhắc đến một số sự kiện khác.

Năm 1981 cũng là năm có nhiều quyết sách "đổi mới": chỉ thị về khoán trong nông nghiệp, chỉ thị về ba kế hoạch trong công nghiệp.

Cuối năm 1985, Bộ Chính trị có Nghị quyết rất quan trọng về nền kinh tế nhiều thành phần. Tất cả những bước đổi mới này đều được thực hiện dưới sự lãnh đạo của anh Ba và đó chính là nền tảng cho Nghị quyết của ĐH VI ĐỔi MỚI. Anh không có mặt trong ĐH VI nhưng chính anh là người đã chuẩn bị mọi quyết định cho ĐH VI.

Tôi có đọc trong một tài liệu nói rằng: Chính cố TBT Lê Duẩn là người ủng hộ những nhân tố đổi mới nhưng ông đã không thể bảo vệ được một cách kiên quyết và Kim Ngọc là một ví dụ? - Tôi hỏi ông Phương.

- Theo tôi, đó là một nhận định không có cơ sở. Tôi nhớ có lần, vào một buổi sáng, khi nhóm trợ lý chúng tôi đang họp, anh Ba đi vào  "quẳng" xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: "Các anh đọc đi!". Rồi anh nhếch mép cười, đi ra...

Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài viết dài phê phán ông Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ của anh.
 
Có lần, tôi hỏi anh: "Tại sao anh không công khai phản bác lại quan điểm bảo thủ của bài báo…". Anh nói: "Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng…"

Ai đó đã nói rằng anh Ba không bảo vệ được Kim Ngọc là không đúng. Sau bài báo đó, Kim Ngọc vẫn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.
 
- Rất nhiều thư bạn đọc nói rằng thời kỳ cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam là sai lầm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Quan điểm của ông thế nào?
 
- Lúc đó, chính tôi là Phó trưởng ban cài tạo công thương nghiệp mà anh Nguyễn Văn Linh là trưởng ban. Anh Linh và tôi được điều đi công việc khác vào đầu năm 1978. Tôi nghĩ những người thực hiện đã chưa hiểu đúng tư tưởng chỉ đạo của anh Ba. Chủ kiến của anh là phá bỏ thế độc quyền của một số "cá mập" kếch xù. Nhưng cách làm lại dẫn đền đạp nát cả rổ bát đĩa để đánh một con chuột.

"… Phải lo đủ cho người dân mỗi năm một bộ quần áo mới"
 
Nhắc tới cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng tôi và nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương đều nhắc những năm tháng khốn khó của thời "Đêm trước đổi mới". Đúc kết của ông về "anh Ba Duẩn" là những lời gan ruột: "Những năm tháng cuối đời, anh Ba luôn bứt rứt vì cuộc sống của người dân" - ông kể…

Giữa năm 1978, Trung Quốc thông báo không bán bông cho chúng ta nữa. Chỉ còn Liên Xô thì sản lượng vải sẽ giảm đi một nửa. Tôi đến báo cáo với anh Ba: "Chúng ta sẽ chỉ lo được cho dân hai năm một bộ quần áo…".  

Anh cật vấn tôi một hồi, mặt đỏ bừng và quăng cây bút bi xuống bàn - một việc mà tôi chưa từng thấy ở Anh bao giờ. "Cầm quyền mà không lo nổi cho dân một bộ quần áo thì cầm quyền là nghĩa thế nào? Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lo đủ cho người dân một bộ quần áo".  Nói rồi, anh ra về thẳng.

Sáu tháng sau, tôi lại báo cáo với anh: "Chúng tôi đã kiểm tra lại mọi nguồn lực. Nhưng vẫn không thực hiển nổi chỉ thị của Anh". Anh ngồi im, vẻ mặt rất căng thẳng.

Đó là thời kỳ mỗi người dân Việt Nam hưởng tiêu chuẩn hai năm một bộ quần áo… (Đó là những năm tháng mà trong cuốn nhật ký của bà Lê Thụy Nga ghi rằng: "… Anh nghĩ nhiều, viết nhiều, hình như trong anh đang có điều gì nung nấu ghê lắm…"). 

Tôi vẫn nhớ, có lần trong những năm 60, trong một cuộc họp ở Đồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ:"Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi…". 

Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói một lời. Tôi rất thông cảm với anh về cái khó của Chính phủ. Muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ. Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn. Cả cuộc đời, nhất là những năm tháng cuối, anh Ba đã lo nghĩ quá nhiều về miếng cơm manh áo cho người dân… 

- Nhưng tại sao,  ở vị trí đứng đầu đất nước thời điểm đó, nếu là một người thực sự tài giỏi, ông sẽ có được những quyết sách để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế một cách nhanh chóng mà phải đợi đến năm 1985? 

Ông Trần Phương trầm ngâm.

 - Phải thấy anh Ba và những cộng sự của anh đã "chòi đạp" đủ mọi hướng để đưa đất nước ra khỏi khó khăn chồng chất. Thế hệ của Anh, những nhà cách mạng Việt Nam đã được chứng kiến huyền thoại của Liên xô chiến thắng phát xít một cách oai hùng như thế nào. Một đất nước nghèo khổ như Liên xô sau đại chiến thế giới thứ nhất mà tạo ra tiềm lực kinh tế, làm thay đổi đất nước, đủ sức đánh bại phát xít Đức, Nhật thì mô hình CHXH Liên Xô quả là đã trở thành thần tượng duy nhất cho nhiều thế hệ cách mạng vô sản trên thế giới. Theo tôi, Lê Duẩn cũng không thể là một ngoại lệ.

Trong bối cảnh chính trị lúc đó, nhiều nhà cộng sản xuất sắc của thế giới cũng đã không thoát ra khỏi khuôn khổ của mô hình kinh tế Liên Xô. Lê Duẩn cũng không ra khỏi những vạch chỉ sẵn của lịch sử. Những quyết sách đổi mới từng bước của Anh cũng đã đủ chứng tỏ tài thao lược và đầu có sáng tạo của Anh "vượt thời đại" đến mức nào.

Cuộc trao đổi về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn của nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Có những điều ông nói chỉ để làm sáng tỏ lịch sử chứ không phù hợp với tư liệu của một bài báo.  

- Nhân kỷ niệm năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông có thể chia sẻ với chúng tôi những lời gan ruột nhất của ông về nhân vật này? 

- Đó là một con người có đầu óc luôn sáng tạo và một trái tim nhân hậu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ nếu không có Lê Duẩn thì không biết có thắng lợi như thế này không? Có kết thúc như thế này không? Và nếu không có Lê Duẩn thì cuộc đại cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông sẽ ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam như thế nào? Tôi đánh giá Lê Duẩn từ hai góc độ đó.

Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới. Nhưng điều đó cũng phù hợp với con người Anh: Chỉ cần mình làm điều tốt cho Đảng, cho Dân mà không cần nghĩ rằng có được ghi nhận đến đâu...

Lương Thị Bích Ngọc (Bài đăng trên báo Điện tử VietNamNet năm 2007)

No comments:

Post a Comment