Thursday, April 7, 2011

Cuộc sống đảo lộn sau vụ nhà sập, nghiêng


Thứ năm, 7/4/2011, 20:38 GMT+7


Ở nhờ người thân, thuê nhà nghỉ hoặc sống tạm trong trụ sở Mặt trận Tổ quốc phường là hoàn cảnh của những gia đình bị liên lụy sau sự cố nhà sập, lún nghiêng ở phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Nhà 5 tầng đổ đè sập một phần chung cưKhẩn cấp di dân khỏi nhà 5 tầng lún nghiêng

Sau khi nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng bị sập, 18 hộ gia đình ở cầu thang 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng cũng bị vạ lây. UBND quận đã yêu cầu các gia đình phải di dời để khắc phục sự cố.

Không có người thân để nhờ vả, gia đình ông Đoàn Đức Phóng phải đến ở tạm tại trụ sở Mặt trận tổ quốc phường Láng Hạ. Ngồi buồn rầu trong khoảng sân trước phòng Hội chữ thập đỏ, anh Đoàn Đức Hùng (con trai ông Phóng) cho biết, tại trụ sở có 7 người trong gia đình anh và gia đình ông Nguyễn Hồng Quang (phòng 302), Nguyễn Văn Hồng (phòng 402).

Căn phòng khoảng 16m2 tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc phường Láng Hạ được dành cho gia đình anh Hùng ở tạm. Ảnh: Hoàng Thùy.

Sự cố nhà sập đã diễn ra một tuần, nhưng chân anh Hùng vẫn thâm tím, người vẫn đau vì chịu sức ép. "Khi nghe mọi người thông báo nhà 49 sắp sập, tôi chạy lên nhà để bế bà xuống. Vừa bước qua cửa thì nghe tiếng đổ ầm ầm, tôi bị bay khỏi chỗ vừa đứng vài mét", anh Hùng nhớ lại.

Đưa bà xuống dưới, anh sững sờ vì chỉ trong chớp mắt ngôi nhà khang trang và một phần chung cư chỉ còn là đống đổ nát. Khi tất cả người thân đều an toàn, gia đình anh lại lo lắng vì toàn bộ đồ đạc, giấy tờ quan trọng không kịp cầm theo.

"Suốt ba đêm tôi và bố mẹ phải ngủ ở gầm cầu thang, đợi cần cẩu xúc đến phần nhà mình thì nhìn xem có thấy tủ đựng giấy tờ không nhưng vô vọng", anh Hùng cho hay.

Chuyển đến trụ sở Mặt trận Tổ quốc phường Láng Hạ, gia đình anh Hùng không có một tài sản nào mang theo. Quần áo chỉ có một bộ mặc trên người từ hôm nhà đổ, giá, bát, xoong, nồi... là của phường cho mượn. "Bạn bè đến thăm, người cho gạo, người cho nước uống, đệm, chăn, quần áo cũ... nên chúng tôi mới tạm duy trì được cuộc sống. Ai cũng mệt mỏi, sút cân", anh Hùng nói.

Anh Hùng cho biết, gia đình chẳng còn tài sản gì sau sự cố nhà 49 bị sập. Ảnh: Hoàng Thùy.

Trong căn phòng chừng 16m2, bà cụ 95 tuổi vẫn nằm im lìm trong chăn. Từ hôm nhà sập, bị sức ép lăn xuống đất, bà vẫn còn đau. Hai đứa con anh Hùng thì chưa quen chỗ ở mới, thường xuyên khóc, nhất là về đêm.

Sử dụng nhà vệ sinh làm nhà tắm, phải dậy sớm hơn bình thường, cuộc sống hoàn toàn bị xáo trộn nhưng gia đình anh Hùng mong chính quyền sớm giải quyết sự cố để họ được trở về nhà.

Sau vụ nhà 49 Huỳnh Thúc Kháng bị đổ, quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra các công trình nhà ở trên toàn quận. Ngôi nhà số 11 ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng nghiêng khoảng 20cm, đã bị phong tỏa. Các hộ dân sống trong và đối diện ngôi nhà này cũng đã được lệnh di dời để đảm bảo an toàn.

Là chủ hộ số nhà 12, đối diện với ngôi nhà 11 bị nghiêng, ông Dương Minh Thành cho biết, gia đình ông gồm hai vợ chồng, con trai, con dâu và hai cháu nội. Do không tìm được nơi ở nhờ nên cả nhà phải thuê nhà nghỉ.

Các hộ đối diện với căn nhà lún nghiêng (ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng) đã phải di dời để đảm bảo an toàn. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ông Thành chia sẻ, đang ở nhà mình rộng rãi, bỗng dưng phải đi thuê nhà nghỉ, gia đình cảm thấy gò bó. Ông bà ban ngày đến nhà bạn bè chơi hoặc về gần nhà xem tình hình.

"Cả nhà phải ăn cơm "bụi", rồi lo lắng cho ngôi nhà khiến chúng tôi rất đau đầu. Các cơ quan chức năng cần qiải quyết nhanh, chứ không có nhà, chúng tôi không thể ổn định làm ăn, sinh sống", ông Thành nói.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó chủ tịch phường Láng Hạ cho biết, ngay sau sự cố sập nhà 49, phường đã liên hệ với các gia đình để hỗ trợ chỗ ở. "Chúng tôi đã có đơn gửi quận, đề xuất xin nhà tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Khu vực nhà sập cũng đã có các chuyên gia đến nghiên cứu và tìm phương án giải quyết tốt nhất", anh Quang cho hay.

Hoàng Thù
y


No comments:

Post a Comment