Tuesday, November 16, 2010

Luật thủ đô: Đặc thù trở thành đặc lợi, đặc quyền?


16/11/2010 21:25:33

- "Chúng ta đi không đúng chỗ, không giải quyết được vấn đề", "biến yếu tố đặc thù trở thành đặc lợi, đặc quyền.", "Hà Nội không thể là một khu tự trị"… là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về dự án Luật thủ đô tại phiên thảo luận sáng 16/11.

Bee.net.vn xin giới thiệu một số ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh dự luật này:

vvv
Đại biểu Trần Du Lịch: "Ở đây chúng ta nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền...". Ảnh: TTXVN



Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó"

"Điều 24, dự thảo luật giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ cơ cấu dân cư hợp lý theo quy định chung của Thủ đô. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vì Luật Cư trú đã quy định cụ thể điều kiện thường trú, tạm trú của công dân. 

Dân gian có nói: "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó". Bác Hồ cũng đã nói, mọi người có "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm thì họ tìm đến. 

Như vậy chính quyền Thủ đô phải làm gì để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân thì tự tìm đến, thay vì dùng các biện pháp hành chính thì Thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra".

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Cần sớm xây dựng Luật đô thị

"Tôi nghĩ chỉ cần điều chỉnh một số vấn đề quan trọng gắn với thực tiễn của Pháp lệnh Thủ đô hiện có cũng đã tạo cho Hà Nội một điều kiện phát triển. Trong khi đó điều thiếu nhất, quan trọng nhất như một đầu tàu, một động lực là mô hình quản lý một đô thị, trong đó có Thủ đô và cũng đáp ứng yêu cầu cả nước khi chúng ta thấy rằng tỷ trọng của đô thị ngày càng lớn trong toàn bộ nền kinh tế - xã hội đất nước, mà đến bây giờ chúng ta chưa có Luật Đô thị thì điều đó sẽ làm cho tất cả những gì chúng ta xây dựng ngày hôm nay dù to đẹp đến mấy, nhưng nền tảng không vững vàng. 

Vì vậy tôi kiến nghị, một là điều chỉnh, sửa đổi pháp lệnh cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, tạo những hành lang pháp lý trước mắt cho Hà Nội phát triển. 

Thứ hai là sớm xây dựng Luật đô thị và nhìn bước đường dài là sửa đổi Hiến pháp để cho Hà Nội có một không gian và hành lang pháp lý thuận lợi hơn, phát triển lâu dài. Nhất là trong thời điểm mà hiện nay trên toàn thế giới vấn đề đô thị đang trở thành vấn đề rất lớn, đang có những chuyển đổi về chất".

Nếu chúng ta chỉ có Luật thủ đô có thể thể hiện rất nhiều tình cảm, ý chí của chúng ta là mong muốn Thủ đô phát triển nhưng sẽ bất cập, sẽ không đi vào đời sống được và biến yếu tố đặc thù trở thành đặc lợi, đặc quyền.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM): "Nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền"

"Dự thảo Luật Thủ đô nếu đặt trong khuôn khổ Hiến pháp hiện hành thì đúng như Ủy ban Pháp luật, chúng ta đi không đúng chỗ, không giải quyết được vấn đề. Ở đây chúng ta cần phân biệt, làm rõ vấn đề đặc thù không phải là đặc quyền. Đặc thù có nghĩa là ở nơi đó có đặc điểm như vậy mà nơi khác không có, hiện nay pháp luật chưa cho phép thì cho khai thác cái đó. Nếu nơi nào có điều kiện như vậy cũng được làm thì cái đó là đặc thù. 

Còn đặc quyền có nghĩa là nơi khác có như vậy mà không cho thì đó là đặc quyền. Ở đây chúng ta nhầm lẫn giữa đặc thù và đặc quyền tạo nên sự thiếu đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị làm rõ vấn đề này. 

Tốt hơn hết, tôi nghĩ có lẽ là Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật, trong đó quy định một số chính sách đặc thù để xử lý, giải quyết cho Hà Nội phát triển và chuẩn bị một cách bài bản hơn cho vấn đề xây dựng một thủ đô trên nền tảng phải sửa Hiến pháp. Bởi vì quan trọng nhất giải quyết vấn đề đô thị hiện nay đó là mô hình tổ chức chính quyền đô thị như thế nào trong một cơ chế có phân cấp hay cho địa phương tự quản hay không tự quản. Giải quyết quan điểm rõ ràng thì ta mới làm được".

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng): "Hà Nội không thể là một khu tự trị"

"Đã đến lúc Thủ đô cần một số cơ chế chính sách đặc thù mạnh mẽ quyết liệt hơn để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển Thủ đô sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước, làm gương cho các tỉnh và thành phố khác trong cả nước.

Nhưng những cơ chế chính sách đặc thù này phải không được trái với Hiến pháp, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa phương nào, Hà Nội không thể là một khu tự trị hoặc là độc lập với cả nước. 

Trong dự thảo luật đưa ra đến gần 20 cơ chế chính sách đặc thù (tăng thu, xử phạt cao hơn, quản lý nhập cư... - PV) nhưng chưa giải thích rõ tại sao lại phải có thêm ngần ấy cơ chế chính sách. Có phải tất cả do chính sách pháp luật của ta hiện hành chưa có hay không thể áp dụng được, hay là chính sách pháp luật hiện nay đã cản trở không sát thực tế Hà Nội mà cần bắt buộc phải điều chỉnh thì chưa thấy giải thích rõ ở trong dự án luật cũng như tờ trình của Chính phủ".

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau): "Nên chuẩn bị lại dự án luật"

"Cá nhân tôi có đọc dự thảo luật, báo cáo thẩm tra cũng như xem 13 trang ý kiến của thảo luận tổ tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đó là một báo cáo khá sắc sảo, có trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp .
 
Chỉ có vấn đề là Ủy ban Pháp luật chưa mạnh dạn đặt vấn đề với Thường vụ là với nội dung chuẩn bị như vậy Chính phủ nên chuẩn bị lại dự án này và trình Quốc hội vào một thời điểm nào đó cho chắc chắn và kỹ hơn. 

Nm 2000 Bộ Chính trị ban hành nghị quyết, mà khi ban hành trong hoàn cảnh cụ thể là Thủ đô chưa được mở rộng như hiện nay. Bây giờ ta sẽ đánh giá lại Nghị quyết 15 của Bộ chính trị cũng như Pháp lệnh Thủ đô. Trên cơ sở đó mình xem tính đặc thù nó là cái gì sau 10 năm thực hiện đối với Thủ đô chưa mở rộng. Bây giờ nếu mở rộng rồi thì áp dụng đặc thù đó nó là cái gì thì mới làm được, chứ tôi cho là cách làm như thế này là nó không rõ về đặc thù".

PV (tổng hợp)


No comments:

Post a Comment