Mưa to có nơi lên đến 600 mm suốt từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, trong đó rốn lũ ở Quảng Ngãi và Quảng Nam, làm 10 người chết, hàng chục nghìn người bị nước cô lập. Lũ tràn qua quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông.
> Lũ chồng lũ, Quảng Ngãi khẩn cấp di dời hàng nghìn hộ dân
Đến tối 16/11, tỉnh Quảng Nam có 6 người chết do mưa lũ. Nước chảy xiết làm gãy 2 nhịp cầu Gò Nổi (còn gọi là cầu Đen nối quốc lộ 1A với Gò Nổi) gây tắc nghẽn giao thông. Tuyến đường độc đạo lên huyện Nam Trà My bị cắt đứt. Huyện Bắc Trà My có đến 8 trên 13 xã bị chia cắt và cô lập hoàn toàn.
Tuyến đường tránh thủy điện Sông Tranh 2 bị sạt lở hàng trăm khối đất đá, gây cản trở giao thông từ xã Trà Đông đi Trà Nú, Trà Cốt. Các xã Trà Giang, Trà Đốc, Trà Bui, thị trấn Trà My có trên 50 điểm sạt lở. Lũ mạnh đẩy cả đất đá tràn vào 10 nhà dân. Ngôi nhà của chị Lê Thị Vinh ở xã Trà Giang bị nước cuốn sập, hư hỏng toàn bộ tài sản, rất may không có thiệt hại về người.
Đến đêm qua, huyện Nông Sơn vẫn bị ngập nặng, nhiều tuyến đường ngập sâu hơn một mét, thậm chí đường từ huyện Duy Xuyên đến Nông Sơn ngập sâu tới 3 mét, giao thông bị chia cắt. Sáng nay, nước lũ trên đường rút chậm.
Sạt lở núi ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Tại Quảng Ngãi, lúc 20h đêm 16/11, núi đá sạt lở làm sập 3 căn nhà tại xã Sơn Thành (Sơn Hà), đè chết em Đinh Thị Tâm (10 tuổi), 3 người khác bị thương.
Mưa lớn làm sạt lở nặng tỉnh lộ 622B, cô lập 18.000 người dân ở huyện miền núi Tây Trà. Hiện tỉnh lộ từ Trà Bồng đi Tây Trà xuất hiện 5 điểm sạt lở núi, trong đó nặng nhất là tại km 35 thuộc xã Trà Lâm (Trà Bồng). Hàng chục nghìn m3 đất đá đổ chắn ngang đường gây tắc nghẽn giao thông, cô lập hoàn toàn huyện Tây Trà.
Ông Hồ Văn Dít ở xã Trà Phong (Tây Trà) xuống thăm người thân bị ốm ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), nhưng mắc kẹt lại đây do sạt lở núi từ hai ngày qua. "Những khối đất đá to bằng quả đồi lớn sạt xuống bít hết đường đi, tôi đành ở nhờ nhà bà con ở Trà Bồng mấy ngày nữa chờ thông tuyến", ông Dít cho biết.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Tây Trà về các xã cũng bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở nặng và nước sông suối dâng cao. Hơn 450 người dân ở xã Trà Trung bị mất liên lạc, cắt điện do núi sạt lở làm đổ trụ điện, đứt dây cáp điện thoại.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Hồ Văn Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà lo âu: "Đáng ngại nhất là khi có bệnh nhân cấp cứu chuyển lên tuyến trên, Trung tâm y tế của huyện không biết làm sao, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Trong trường hợp khẩn cấp, việc cứu nạn, cứu hộ ở các xã trên địa bàn gặp nhiều trở ngại do đường sá bị tắc nghẽn".
Giải tỏa điểm sạt lở, đất đá tràn xuống đường và nhà dân ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Hiện tại, kho gạo dự trữ ở 9 xã của huyện Tây Trà (mỗi xã dự trữ 2 tấn gạo) đảm bảo cho người dân đủ lương thực cầm cự trong 10 ngày. Nếu tình trạng cô lập kéo dài, huyện này có nguy cơ cạn kiệt lương thực, người dân rơi vào cảnh thiếu đói.
Trong khi đó, tối qua lũ dâng cao làm ngập cầu sông Rin đến hơn 2 mét, chia cắt hoàn toàn huyện miền núi Sơn Tây. Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, suốt từ 16h chiều qua đến sáng nay, mưa lớn liên tiếp trút xuống huyện. Nước từ thượng nguồn chảy về sông Rin tiếp tục dâng cao. Ít nhất phải ba ngày tới huyện Sơn Tây mới thoát tình cảnh cô lập.
Mưa lũ làm ngập sâu từ 1,5 đến 2 mét, chia cắt giao thông hầu hết tuyến đường từ thị trấn Châu Ổ đi các xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Chánh, Bình Thới, huyện Bình Sơn. Hơn 10.000 hộ dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, ngập chìm trong nước lũ.
Tính đến 23h tối qua, các địa phương tỉnh Quảng Ngãi đã di dời và sơ tán hơn 3.000 hộ dân với hơn 11.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở núi. Hiện Quảng Ngãi đã có 3 người chết, một người mất tích do mưa lũ.
Giao thông ách tắc trên quốc lộ 1A |
Mực nước sông Trà Bồng vượt báo động 3, nước lũ chảy xiết tràn qua quốc lộ ngập gần một mét, giao thông trên tuyến 1A qua thị trấn Châu Ổ, Quảng Ngãi, ách tắc. Các loại ôtô nối đuôi nhau xếp hàng dài trên nhiều đoạn đường.
Trao đổi với VnExpress chiều 16/11, thượng tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "25 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, thanh tra giao thông đã được điều động túc trực 24/24h, tuyệt đối không cho người qua lại khu vực thị trấn Châu Ổ".
Giao thông tắc trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Châu Ổ, vì nước ngập chiều 16/11. Ảnh: Trí Tín. |
Ở 2 chốt chặn ngã ba Dốc Sỏi (xã Bình Nguyên) và ngã ba Bình Long (xã Bình Long), lực lượng làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông, không cho bất kỳ phương tiện nào di chuyển trên quốc lộ 1A đang bị ngập sâu do mưa lũ.
Cảnh sát cũng tổ chức phân luồng giao thông tạm trên tuyến đường xuyên Việt đoạn qua Quảng Ngãi. Theo đó, hướng lưu thông từ Bắc vào Nam phải đi vòng xuống đường Võ Văn Kiệt, Khu kinh tế Dung Quất để quay ngược lên ngã ba Bình Long và ngược lại, nhằm đảm bảo an toàn.
Lợi dụng cơ hội này, một số thanh niên đã dùng xe ba gác mở dịch vụ trung chuyển xe máy qua các chặng đường ngập lũ, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng.
Trí Tín
No comments:
Post a Comment